Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'bộ mặt' khác nhau của điện thoại Android

Từ giao diện Android gốc cho đến TouchWiz của Samsung hay Sense của HTC, Android xứng đáng là nền tảng đa dạng nhất hiện nay.

Điện thoại Android ra mắt thị trường với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau nhưng có lẽ, thứ khiến chúng tạo ra sự khác biệt với phần còn lại chính là giao diện. Mỗi nhà sản xuất có xu hướng thay đổi giao diện Android theo phong cách riêng của họ, kèm theo một số phần mềm độc đáo khác.

Android gốc

Android gốc là bản giao diện được thiết kế bởi Google, chủ yếu xuất hiện trên dòng Nexus. Chuẩn thiết kế hiện tại của Google có tên gọi Holo. Nó được giới thiệu lần đầu tiên từ phiên bản Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Chuẩn thiết kế này vẫn được duy trì cho đến phiên bản Android hiện tại – 4.4 KitKat – nhưng liên tục được cập nhật.

Hình bên trên chụp một chiếc Nexus 5 với launcher Google Now, một ứng dụng chạy trên nền Android gốc, giúp các icon hiển thị lớn hơn, với các tông màu sáng và trong suốt.

Samsung TouchWiz

TouchWiz là giao diện được yêu thích bậc nhất của người dùng Android bởi nó dễ sử dụng và nhiều tính năng. Đây cũng là giao diện dễ nhận biết nhất với tông màu sáng và thiết kế giống hoạt hình.

Trên các sản phẩm cao cấp như Galaxy S5, Note 3, TouchWIz còn được trang bị hàng loạt các tính năng như đa nhiệm, smart scroll, smart pause vv…, rất hấp dẫn với những người lần đầu tiếp xúc với các sản phẩm này.

HTC Sense

Sense, có mặt trên các mẫu điện thoại dòng One của HTC, mang đến một thiết kế sạch và nhiều màu sắc. Tính năng đáng chú ý nhất của Sense là Blinkfeed, xuất hiện ngay trên màn hình chủ, cho phép người dùng cập nhật nhanh tin tức hoặc diễn biến mới từ mạng xã hội.

LG Optimus UI

GIống như TouchWiz, giao diện của LG luôn có rất nhiều tính năng, giúp người dùng giải trí nhiều hơn với chiếc smartphone của mình. Tuy nhiên, giao diện của LG trông bóng bẩy hơn so với TouchWiz.

Bạn có khá nhiều quyền để cá nhân hóa giao diện Optimus UI của LG, chẳng hạn chọn bất kỳ một hiệu ứng động nào hoặc sửa vị trí của nút điều hướng trên màn hình hoặc cài một theme mới để thay đổi hoàn toàn giao diện của máy.

Motorola

Motorola đi theo chủ trương “nếu một việc đang diễn biến tốt, không nên phá vỡ nó”. Những thế hệ smartphone mới nhất của Motorola như X, G hay dòng Droid đều có giao diện gần giống với Andorid gốc.

Thay vì sửa đổi giao diện, Motorola chỉ đơn giản thêm một vài tính năng điều khiển giọng nói và thông báo mới trên sản phẩm này.

Sony Xperia Home

Không giống với các nhà sản xuất còn lại đã chuyển sang sử dụng giao diện phẳng, hiện đại, Sony vẫn dùng thiết kế dạng 3D. Điều này đồng nghĩa với việc các icon sẽ có thiết kế đổ bóng trên màn hình và việc chuyển giữa các phần cài đặt sẽ giống như một công tắc vật lý.

Với Xperia Home, người dùng không có nhiều cơ hội thay đổi thiết kế của giao diện, ngoài việc tải về các theme có sẵn do hãng cung cấp.

Đức Nam

Bạn có thể quan tâm