Mới đây, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến vi phạm của Địa ốc Alibaba và có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Luật sư Trần Tấn Tài - Giám đốc Công ty luật City - đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về những biểu hiện có hành vi vi phạm pháp luật của Địa ốc Alibaba.
Nói về vai trò thật sự của Công ty Địa ốc Alibaba, LS Trần Tấn Tài khẳng định Alibaba thực chất không phải chủ đầu tư mà tự xưng là chủ đầu tư để bán "dự án" cho khách hàng. "Ngay ở điểm này, chúng ta đã thấy họ vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản", luật sư nói.
Vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, chống người thi hành công vụ
Tuy nhiên, ông Tài cho biết có một điều gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý. Do chỉ là một đơn vị môi giới, Alibaba được ủy quyền để bán sản phẩm, mà cụ thể ở đây là đất nền.
Tiếp theo, khi bán các dự án ma, Địa ốc Alibaba trực tiếp là bên thu tiền nhưng cơ quan chức năng không nắm được họ có trả tiền cho người ủy quyền hay không.
Luật sư Trần Tấn Tài cho rằng Địa ốc Alibaba có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật. Ảnh: Trần Lân. |
Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất từ 20%, không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ phần thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%).
LS Trần Tấn Tài nhắc lại sự việc UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế hành chính, bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thay đổi hiện trạng mục đích sử dụng đất trên một mảnh đất nông nghiệp tại ấp 3, xã Tóc Tiên.
Ông cho rằng việc dùng loa hò hét, lời lẽ kích động, lăng mạ, xúc phạm để nhằm mục đích cản trở, chống đối không cho đoàn cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ của nhóm nhân viên Alibaba là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, luật sư nhận định nhóm người này đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thứ hai, việc nhóm đối tượng này đập phá chiếc xe máy múc hiệu Huyndai Rolex 555 màu xanh trong buổi cưỡng chế cũng là hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước.
Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngoài ra, khi nhận định về sự liên quan của người mua các dự án "ma" của công ty này, LS Tài cho rằng việc mua những sản phẩm bất động sản dưới mác "dự án" nhưng không được nhà nước phê duyệt cũng là sai.
Nhân viên Địa ốc Alibaba Trần Quốc Tĩnh dùng đá đập cửa kính xe. |
Theo Khoản 1, Điều 12 Luật Kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đều khẳng định chưa có dự án nào được cấp phép tại các khu đất Alibaba quảng cáo.
"Đến một thời điểm nào đó, khi chủ đầu tư không thể đưa sổ cho người mua đúng như cam kết trong hợp đồng là có dấu hiệu lừa đảo. Nếu chủ đầu tư trong giao dịch mua bán cam kết sẽ giao sổ cho người mua mặc dù biết là không thể làm sổ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản," ông Tài giải thích.
Luật sư cũng cho biết các trường hợp này khi không giải quyết được, người mua sẽ phải kiện ra tòa để đòi bồi thường theo hợp đồng. Đối với trường hợp của Alibaba, nếu công ty này không thể bồi thường sẽ là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quy định phân lô bán nền còn kẽ hở
Nhận định về quy định "phân lô bán nền" hiện nay, ông Tài cho biết Luật Đất đai 2003 cấm hoạt động phân lô bán nền, tuy nhiên Luật Đất đai năm 2013 đã cho phép phân lô bán nền trở lại.
Ông nhận định điều này đã dẫn đến hai vấn đề đáng quan tâm là phân lô bán nền hợp pháp và phân lô bán nền không hợp pháp. Đối với phân lô bán nền hợp pháp, Luật Đất đai quy định phải có quy hoạch tổng thể, được Nhà nước duyệt quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng.
Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Alibaba. |
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cá nhân đang lợi dụng quy định này để phân lô bán nền trái phép. Các đối tượng này không được Nhà nước cấp phép để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn tự vẽ đường, lập các công trình hạ tầng.
Để ngăn chặn vấn đề này, hiện nay một số địa phương cũng đã sửa đổi lại quy định tách thửa trên địa bàn. Tuy nhiên, luật sư cho rằng để giải quyết triệt để hành vi phân lô bán nền trái phép cần có có quy định buộc các dự án phân lô bán nền gắn với các doanh nghiệp.
"Hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu thuế với dự án phân lô bán nền của doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay các mảnh đất được phân lô bán nền vẫn đang đứng dưới tên các cá nhân, có sự liên kết giữa cá nhân và doanh nghiệp", LS Trần Tấn Tài nói.