Dọc bờ đê sông Hồng có nhiều khu đất trồng ổi, từ Đông Dư, Đa Tốn, Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đến vùng đất thuộc Cự Khối (quận Long Biên). Theo những người dân địa phương, ổi bãi sông Hồng quả to vừa phải, ăn giòn và ngọt, hạt mềm, vỏ lại không chát. Đây là loại ổi găng, được trồng ngoài bãi phù sa màu mỡ do thường xuyên được sông Hồng bồi đắp mỗi năm. Ổi găng đất bãi cho trái quanh năm, bất kể mùa khô hay mưa. Tuy nhiên, loại quả này cũng được người đất bãi chia thành hai vụ chính vào khoảng tháng 5 và tháng 12 (âm lịch) và hai vụ trái mùa. Nhiều biệt thự mái ngói đỏ tươi chen lẫn vườn ổi xanh ngút ngàn. |
Quanh năm bất kể mùa nắng hay mùa mưa, cứ khoảng 4 giờ sáng là khắp các xóm làng lại í ới, rộn rã bởi những người dân thức dậy đi hái ổi ngoài bãi. Các gia đình ở đây trang bị ô tô, mỗi ngày vận chuyển khoảng 200 tạ ổi đến các chợ đầu mối ở trung tâm Hà Nội, các hệ thống siêu thị cũng như thị trường Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... Vào thời điểm chính vụ, có ngày các hộ còn phải vận chuyển hàng tấn ổi, hàng trăm thương lái từ các tỉnh lân cận cũng tìm đến đây để lấy được ổi với chất lượng và giá tốt nhất. Làng biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. |
Cuộc sống bãi sông Hồng ngày càng thay đổi. |
Đường đổ bê tông khang trang. Với sản lượng đạt 3.000 tấn/năm, cây ổi găng đã đem lại cho người dân cuộc sống khấm khá hơn. Nhờ có loại cây đặc sản này mà không ít người dân trong vùng trở thành triệu phú. |
Đất bãi là một trong những vựa rau của thủ đô. |
Đất bồi ven sông màu mỡ là điều kiện thuận lợi để canh tác nông nghiệp. Sản phẩm nông sản đã được xuất khẩu sang Đức, CH Séc, Nga, Pháp… được cấp giấy chứng nhận thương hiệu rau, quả an toàn. Thu nhập bình quân trên một hecta canh tác rau an toàn của xã trên dưới 200 triệu đồng, cây ăn trái đạt 150 triệu một hecta, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô. |
Điều mà ít người biết được, ngay bãi giữa sông Hồng có đàn trâu hàng trăm con được chăn thả hoàn toàn tự nhiên, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như đàn trâu dưới chân cầu Vinh Tuy do ông Nguyễn Văn Tiến gây dựng đã được gần chục năm. Hiện tại, đàn trâu lên tới hơn 200 con. |
Chúng vẫn nhởn nhơ đầm mình dưới vũng nước mặc kệ bên kia sông, người đô thị đang hối hả. |
Hầu hết người chăn trâu đều làm thuê đến từ các tỉnh lẻ, ăn ngủ ở trên đất bãi, thu nhập cũng gần 5 triệu đồng/tháng. Có thể nói, những trang trại trồng trọt, chăn nuôi giữa sông Hồng đang trở thành một trong những nơi cung cấp thực phẩm cho thủ đô. Với những lợi thế về thiên nhiên, đặc sản nông nghiệp nơi đây ngày càng được nhiều người trong và ngoài nước biết tới.
|