Nghĩ đến Tết Nguyên đán, người trẻ châu Á mong sẽ nhận được tiền lì xì, thưởng thức những món ăn ngon và quây quần bên người thân, bạn bè.
Song, họ thường phải đối diện với hàng loạt câu hỏi xoáy vào đời sống riêng hoặc vấn đề tình cảm từ các "bà dì" - những người phụ nữ lớn tuổi, có mối quan hệ mật thiết với gia đình.
"Bao giờ kết hôn?", "Khi nào sinh con?", "Nặng bao nhiêu cân?" hay "Lương tháng bao nhiêu tiền?" là những vấn đề hay được các dì lôi ra bàn tán trong bữa cơm gia đình ngày Tết, gây khó dễ cho người trẻ.
Các dì thường là người đặt ra những câu hỏi "hóc búa", xoáy vào đời tư của người trẻ châu Á trong những dịp họp mặt gia đình. Ảnh: Shutterstock. |
Jesse Sutanto, nhà văn người Indonesia gốc Trung Quốc, thấu hiếu điều này kể từ khi chuyển từ Indonesia tới sống ở Singapore từ năm 8 tuổi.
"Nếu tôi đi dạo đường Orchard với một chàng trai, các dì có thể sẽ bắt gặp, rồi nói lại với bạn bè. Câu chuyện này rồi sẽ đến tai bố mẹ tôi sớm thôi", Sutanto kể.
Chia sẻ với SCMP, cô cho biết mình từng chịu nhiều áp lực khi sống dưới sự quan sát của mạng lưới các dì.
"Tôi từng bị so sánh rất nhiều với những đứa trẻ cùng tuổi. Các dì thường lấy họ ra làm gương, khen rằng họ thông minh ra sao, được nhận vào trường danh tiếng thế nào và khiến tôi thấy tự ti", bà mẹ 2 con này nhớ lại.
Phá vỡ định kiến
Từ những trải nghiệm cá nhân với những bà dì châu Á, Sutanto đã viết cuốn truyện đầu tay Dial A for Aunties và phát hành vào tháng 4/2021. Tác phẩm này sắp được Netflix chuyển thể thành phim.
Sutanto xuất bản cuốn sách đầu tay dựa trên trải nghiệm cá nhân với các dì trong gia đình. Ảnh: Handout. |
Cuốn sách kể về Meddy Chan - nhà tổ chức đám cưới người Indonesia gốc Trung sống ở California (Mỹ). Cô phải tìm sự trợ giúp từ các dì của mình sau khi vô tình sát hại bạn hẹn giấu mặt.
Khi được hỏi tại sao không xây dựng hình tượng những "ông chú" trong tác phẩm, Sutanto cho biết các dì sẽ thú vị hơn nhiều do họ đóng vai trò quan trọng trong các gia đình châu Á.
"Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, phụ nữ châu Á được miêu tả như những người trầm lặng, dễ phục tùng.
Thực tế, nếu thực sự đến châu Á và gặp gỡ một bà dì, bạn sẽ thấy họ khá ồn ào, độc đoán, kiểm soát mọi thứ trong nhà. Họ là người nắm giữ sức mạnh trong văn hóa gia đình châu Á", Sutanto nói.
Charlotte Setijadi, giáo sư trợ lý tại Trường Khoa học Xã hội của Đại học Quản lý Singapore, đồng tình với ý kiến của Sutanto. Cô cho rằng trong nền văn hóa châu Á, các dì có ảnh hưởng lớn vì mối quan hệ họ hàng có sức nặng với nền tảng gia đình.
"Các dì thường gắn liền với việc duy trì vị thế, mạng lưới xã hội của gia đình. Định kiến về các bà dì buôn chuyện, mai mối cũng xuất hiện bởi nguyên nhân này", giáo sư trợ lý nói.
Cô Setijadi cũng cho biết những người dì này thường được coi như "người mẹ thứ 2" vì hay đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, nuôi nấng trẻ em.
Các dì có vai trò quan trọng trong văn hóa gia đình châu Á. Ảnh: The Farewell. |
Hình ảnh những bà dì không chỉ giới hạn ở các nền văn hóa châu Á. Sutanto nói từ khi Dial A for Aunties được phát hành, cô nhận được nhiều email, tin nhắn của độc giả nhiều nước.
"Có bạn đọc ở Mexico, Jamaica và Nigeria nói rằng dì của họ cũng có những điểm tương đồng với nhân vật bà dì trong sách. Tôi cũng nhận được tin nhắn từ độc giả ở Philippines và Ấn Độ. Tôi mừng khi biết rằng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, ta đều có thể bắt gặp hình tượng các dì", Sutanto nói với SCMP.
Thậm chí, một số độc giả phương Tây đã gửi mail, bộc bạch rằng họ mong có một gia đình náo nhiệt, đông đúc như ở châu Á.
Đạt được thành tựu nhờ cuốn sách đầu tay, song Sutanto hy vọng không có người thân nào của cô ở đời thực nhận ra bản thân trong tác phẩm.
"Tôi đã viết cẩn thận tới mức mẹ tôi còn không biết ai là 'các dì' trong truyện. Mong rằng tôi sẽ không gặp rắc rối nào. Tất cả đều tự hào về thành tựu của tôi, bạn bè của gia đình cũng nhắn hỏi khi thấy tôi có mặt trên báo", cô cười, nói.