Shen (26 tuổi, Chiết Giang, Trung Quốc) đã dành một tháng để photoshop 10 bức ảnh của mình với một nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc tên Liu Haoran trước khi về quê trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái.
Shen đưa các bức ảnh cho bố mẹ xem và bảo đó là bạn trai cô. Họ vui mừng khôn xiết, thậm chí bắt đầu tính đến chuyện lo tiền tổ chức đám cưới cho con gái.
Đó chỉ là một trong những cách chống chế của Shen khi cô bắt đầu bị cha mẹ thúc giục kết hôn từ khi đi làm.
Áp lực, gấp gáp, mệt mỏi. Không chỉ Shen, đây là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ châu Á chưa kết hôn khi bắt đầu được xếp vào hàng “ế” ở tuổi cuối 20, ngoài 30.
Họ có chồng hết rồi
Ở Trung Quốc, những phụ nữ trong độ tuổi cuối 20 chưa kết hôn được gọi là “bà cô” hay “thặng nữ” (sheng nu), giống như “hàng tồn kho, hàng ế”. Một số người có sự nghiệp thành đạt, giỏi giang thì là “tam cao”: học vấn cao, thu nhập cao nhưng tuổi cũng cao.
Nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi luôn sợ hãi khi trở về nhà, đặc biệt trong các kỳ nghỉ, dịp lễ Tết khi liên tục bị hỏi han, mai mối. Khoảng 85% những người độc thân từ 26 đến 30 tuổi cho biết cha mẹ liên tục thúc giục họ nhanh chóng kết hôn, theo một cuộc khảo sát vào năm 2018 của Zhenai, trang web hẹn hò nổi tiếng ở Trung Quốc.
Cách đây không lâu, ở Nhật Bản, những cô gái sau 25 tuổi mà chưa có chồng còn bị gọi bằng danh từ mỉa mai là “bánh Giáng sinh” - giống như những chiếc bánh cũ không bán được sau ngày 25/12.
Dù hiện nay, những lời xúc phạm thẳng thắn này không còn nhiều nhưng ánh nhìn dành cho một người phụ nữ độc thân nhiều tuổi vẫn còn ái ngại, dò xét.
Dương Lệ Bình (sinh năm 1958) là nghệ sĩ múa nổi tiếng Trung Quốc. Cô chọn tận hưởng cuộc sống một mình, thành đạt song thường bị chế giễu vì không kết hôn, sinh con. Ảnh: Sina. |
Kim Eun-young, tốt nghiệp tại Đại học nữ Ewha (Hàn Quốc), cho biết cô bị cha mẹ tạo áp lực kết hôn từ khi cô bước sang tuổi 29.
"Họ tham gia trung tâm mai mối tư nhân với phí thành viên lên tới 5 triệu won (4.300 USD), liên tục sắp xếp cho tôi các cuộc gặp gỡ với những người đàn ông xuất thân từ gia đình tốt”, cô nói.
Mặc dù không đặc biệt hứng thú, Eun-young vẫn gặp những người chồng tiềm năng vài lần, vì trong thâm tâm, cô cũng lo lắng cho "thể diện" của mình.
“Bạn bè cùng lớp lấy chồng, có con hết rồi kìa, con thậm chí còn không có bạn trai”, là câu cửa miệng của phụ huynh mỗi khi nói đến chuyện hôn nhân của Emily Liu (32 tuổi, Liêu Ninh, Trung Quốc). Đây cũng là chủ đề nói chuyện duy nhất mỗi khi Liu về quê, thậm chí bố mẹ còn huy động cả họ hàng góp ý để tạo áp lực cho cô.
Lấy “bừa”
Thời gian trở thành kẻ thù tự nhiên của những “gái ế”, không chỉ kéo theo áp lực tuổi tác, ngoại hình mà còn dần dần tước đoạt sự chủ động của họ trong hôn nhân.
Cai Qi (Trung Quốc), giảng viên đại học, quyết định kết hôn ở tuổi 39 với một người đàn ông xuất thân nông thôn, thua kém mình về mọi mặt vì “không muốn bị tổn thương thêm nữa”. Đối với cô, hôn nhân là một sự thỏa hiệp.
Chỉ trong một năm, cô đã hoàn thành mọi việc quan trọng: yêu, kết hôn, sinh con.
“Chồng tôi không để ý việc tôi đã nhiều tuổi, đó là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tôi phải nhanh chóng tìm một người đàn ông cho mình nếu muốn sinh con, tôi muốn giành lấy cơ hội làm mẹ”, nữ giảng viên chia sẻ.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chớp nhoáng của Cai Qi nhanh chóng lộ ra vấn đề. Những lúc chỉ có hai người với nhau, vợ chồng cô chẳng biết tìm chủ đề nào để nói chuyện, lẳng lặng làm công việc riêng của mình.
Dù vẫn đang trong giai đoạn “mật ngọt” của hôn nhân, cả hai giống như những cặp vợ chồng đã sống với nhau mấy chục năm, chỉ khác là không hề hiểu nhau mà như người lạ.
Vợ chồng Cai Qi lạnh nhạt, chẳng mấy khi nói chuyện với nhau: Ảnh: QQ. |
Cai Qi nhanh chóng nhận ra quyết định khoan nhượng của mình trước tuổi tác, áp lực là sai lầm.
"Khi tôi trò chuyện với các phụ nữ ở độ tuổi ngoài 20, hầu hết đồng ý rằng họ đang phải đối mặt với quan điểm, áp lực rằng nên nhanh chóng tìm một người bạn đời trước khi quá muộn. Với những phụ nữ trên 30, nhiều người còn so sánh khả năng tìm được chồng tốt còn thấp hơn việc bị bom nguyên tử đánh trúng.
Áp lực lớn khiến không ít người thậm chí gạt bỏ mọi tiêu chuẩn của mình, chấp nhận ‘cưới cho xong’ khi đã quá mệt mỏi”, Lee Myung-gil, giám đốc một trung tâm mai mối ở Hàn Quốc, nhận xét.
Solo
Tuy nhiên, vẫn không không ít “bà cô”, “bánh Giáng sinh” ở châu Á không chấp nhận thỏa hiệp.
Cuối năm 2018, Sanae Hanaoka (33 tuổi) tự tổ chức hôn lễ “solo” cho mình với sự tham gia của khoảng 30 người bạn tại một phòng tiệc sang trọng ở Tokyo, Nhật Bản.
“Tôi muốn tự tìm cách sống, dựa vào sức mạnh của chính mình, chẳng phụ thuộc ai”, Hanaoka nói với The New York Times.
Trước các chương trình khuyến khích kết hôn của chính phủ do tỷ lệ sinh thấp, đối với ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản, việc độc thân thể hiện một hình thức giải phóng.
Tương tự, phần lớn phụ nữ ở Hàn Quốc giờ đây cảm thấy hôn nhân là không cần thiết, dẫn đến việc hình thành một nhóm phụ nữ mới gọi là “EMIF”, viết tắt của “Elite Without Marriage, I am going Forward” (tạm dịch: Không kết hôn, tôi vẫn chẳng sao cả).
Nhiều phụ nữ châu Á chọn không kết hôn, theo đuổi lối sống độc thân hoặc chỉ cưới khi gặp người phù hợp. Ảnh: AP. |
“Xã hội khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại ở tuổi 30 mà vẫn chưa làm vợ hay làm mẹ. Thay vì thuộc về một ai đó, tôi muốn có một tương lai đầy tham vọng hơn cho chính mình”, blogger Baeck Ha-Na, một người ủng hộ “EMIF”, nói với Bloomberg.
Tất nhiên, dù chọn con đường nào, phụ nữ cũng cần có sự cân nhắc, xem bản thân thực sự muốn gì và có sẵn sàng trả giá cho nó hay không.
Như Hanaoka, cô sống trong một căn nhà nhỏ với hai người bạn ở ngoại ô Tokyo. Khi nỗi cô đơn len lỏi, cô thường xem lại video về đám cưới "solo" của mình để nhắc nhở về sự lựa chọn của bản thân và những sự ủng hộ của mọi người. Cô vẫn hẹn hò nhưng không muốn ràng buộc bởi hôn nhân và yêu sự tự do của mình.
“Nếu tôi trở thành một người mẹ, tôi sợ rằng bản thân sẽ được kỳ vọng phải làm tốt vai trò người mẹ mà xã hội Nhật Bản yêu cầu, hơn được là chính mình. Vì vậy, tôi thà chọn làm những gì mình muốn ngay bây giờ còn hơn", cô chia sẻ.