Ký ức hào hùng
Dù đã bước sang tuổi 98, nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Trần Văn Tứ (SN 1926, trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), ký ức những ngày chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ chưa bao giờ phai mờ.
Lật giở từng kỷ vật chiến tranh, huân huy chương được trao tặng, ánh mắt người chiến sĩ bộ binh năm xưa rưng rưng. Ông trầm ngâm kể về những trận đánh trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non…”.
Là con thứ 4 trong gia đình 6 anh chị em, bố mất sớm, cuộc sống nghèo khó, bữa no, bữa đói nên từ nhỏ cậu thanh niên Trần Văn Tứ đã phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ, kiếm thêm từng đấu gạo phụ mẹ, nuôi em. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, được cấp ruộng đất sản xuất, lúc này cuộc sống gia đình 7 miệng ăn mới dần qua cảnh khốn khó.
Tháng 2/1949, cũng như bao thanh niên trên khắp các miền quê Việt Nam, chàng trai 23 tuổi tạm biệt người thân, quê hương lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Vào quân ngũ, sau 2 tháng huấn luyện tại tỉnh Nghệ An, ông Tứ được biên chế vào Đại đội 217, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 bộ binh (còn gọi là Đại đoàn Quân tiên phong, trực thuộc Quân đoàn 1).
Ông cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950-1951), chiến dịch Đông Xuân 1953-1954… và đặc biệt là tham gia đánh trận then chốt ở cứ điểm đồi Độc Lập, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, ngày 7/5/1954.
Hồi tưởng giây phút lịch sử khi được cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già không giấu nổi sự xúc động, xen lẫn niềm tự hào: “Sau trận thắng vang dội tại cứ điểm Him Lam mà quân Pháp ví như “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm, ngăn chặn mọi con đường quân ta có thể tiến vào cứ điểm trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khí thế của mỗi người lính càng mạnh mẽ. Khi được lệnh tiến công, chiến sĩ nào cũng xác định đã đánh là phải thắng, không thắng không về và không đánh kéo dài”, ông Tứ nói.
Cùng với Him Lam (phía Đông - Bắc), Bản Kéo (phía Tây Bắc), đồi Độc Lập là một trong những vị trí quan trọng và là cửa ngõ bảo vệ tuyến phòng ngự phía Bắc thuộc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Riêng cứ điểm đồi Độc Lập là một vị trí kiên cố, nằm trên một quả đồi dài 700m, rộng 150m, hình bầu dục theo kiểu yên ngựa, án ngữ tuyến đường Lai Châu đi Điện Biên và che chở cho sân bay ở khu trung tâm.
Khu vực này được quân Pháp xây dựng kiên cố với hệ thống công sự, hầm hào kiên cố, vững chắc, bao quanh là hệ thống dây thép gai, bãi mìn dày đặc. Địch cũng bố trí các Tiểu đoàn Lê Dương với hỏa lực mạnh, súng ống, đạn pháo, sẵn sàng phản kích khi bị tấn công.
Việc quân đội ta tiêu diệt các cứ điểm này sẽ mở toang cánh cửa tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm Mường Thanh, đánh vào trung tâm đầu não của địch, giành chiến thắng toàn vẹn.
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ hồi nhớ ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. |
“Để chuẩn bị cho trận đánh quyết định vào các cụm cứ điểm tại chiến dịch Điện Biên Phủ, từ tháng 10/1953, tôi cùng đồng đội đã phải có mặt để đào hào, mở đường kéo pháo lên trận địa. Lệnh từ trên cũng quán triệt không chiến sĩ nào được chặt ống nứa, tre để đựng nước uống hoặc cây lá nào gần trận tuyến...”, ông Tứ nhớ lại chỉ thị.
Khoảng 16h30 ngày 14/3/1954, mở màn cuộc tấn công đồi Độc Lập. Sau hàng loạt đợt đạn pháo “rực trời Điện Biên” địch chống trả yếu dần, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, chia làm các mũi tấn công, đánh bộc phá hàng rào dây thép gai của địch, mở đường ồ ạt tiến lên.
“Suốt 56 ngày đêm trong “mưa bom, lửa đạn”, không thể nào quên những trận đánh liên tiếp để giành giật từng lô cốt, từng mét hào lúc ấy. Tôi luôn tự hào mình là chiến sĩ Điện Biên. Tôi may mắn còn sống để trở về quê hương, được sống giữa hòa bình. Vì vậy, bản thân luôn tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những hy sinh của đồng chí, đồng đội...”
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ
Khói lửa mù mịt cùng tiếng bom đạn dội “ù cả tai” nhưng từng người, từng lớp chiến sĩ bộ binh vẫn lao về phía trước, lùa bộc phá vào các hàng rào kẽm gai của địch để phá hủy mở đường tiến công. Hàng phòng thủ của địch dần bị phá hủy, cả trăm tên lính Lê Dương (Bắc Phi) nhanh chóng bị tiêu diệt hoặc đầu hàng.
Kể đến đây, đôi mắt người lính già rưng rưng, giọng trầm xuống, sau vài phút im lặng, ông Tứ nói, trận đánh đồi Độc Lập là trận đánh lịch sử và cũng là trận đánh có nhiều mất mát nhất với ông vì phải chứng kiến hình ảnh đồng đội và cả những người bạn thân nhất trong đơn vị lần lượt ngã xuống, mãi nằm lại chiến trường để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trong trận chiến này, ông Tứ cũng bị lưỡi lê sắc nhọn của tên lính Lê Dương đâm xuyên cánh tay. Thế nhưng, với ông điều đó còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội.
Sau thắng lợi ở đồi Độc Lập, ông Tứ cùng đơn vị tiếp tục chiếm đánh các mục tiêu khác đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng De Castries đầu hàng nhưng từ xa nhìn thấy lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch, ông Tứ và đồng đội như không còn biết mệt, quên đi cả những vết thương còn rỉ máu trên cơ thể.
Những ân tình...
Tháng 10/1954, ông Trần Văn Tứ cùng đơn vị trở về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, ông được cử đi học lớp ngắn hạn ngành thống kê. Sau đó về làm việc tại Phòng Vận chuyển, Bộ Công nghiệp. Hai năm sau, vì điều kiện gia đình, người lính Điện Biên xin về quê chăm sóc mẹ già.
Năm 1958, ông cưới vợ là bà Trần Thị Minh (SN 1930), người cùng quê. Nắm chặt đôi tay nhỏ thó của người phụ nữ gắn bó gần 70 năm qua, ông Tứ nói đó là cái duyên đặc biệt với mối tình đầu mà trước lúc lên đường nhập ngũ ông chưa kịp nói lời yêu thương.
“Lớn lên bên nhau từ nhỏ, có tình cảm nhưng chẳng ai dám nói. Trước ngày nhập ngũ, tôi vẫn dắt tay bà ấy đi bộ qua mấy cánh đồng xuống vùng chợ huyện xem ánh đèn máy phát điện rồi im lặng ra về. Nghĩ cuộc đời người lính không rõ sống chết nên không dám hứa hẹn điều gì, cũng không nghĩ sau 8 năm trở về, bà ấy vẫn chờ đợi, trọn tình trọn nghĩa. Khi cả hai gặp lại, tỏ ý về nhau, tôi mới mạnh bạo sang nhà thưa chuyện với người lớn rồi xin hỏi cưới”, ông Tứ vui vẻ kể.
Nhưng với người lính năm xưa, cái ân tình lớn nhất còn ở những người con của ông đến giờ cũng gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Ông Tứ cho biết trong 5 người con (4 trai, 1 gái), hai người con trai và một cô con gái của ông hiện đang lập nghiệp nơi chiến trường xưa của bố. Trong đó, người con trai đầu tên là Trần Văn Giáp (cái tên được ông Tứ đặt từ sự ngưỡng mộ vị chỉ huy vĩ đại trong chiến thắng Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
“Trở lại mảnh đất hoa lửa, dù đã có nhiều thay đổi nhưng cha tôi vẫn nhớ như in từng vị trí đường hào, lô cốt, hàng rào thép gai và con đường ông cùng đồng đội đã vượt qua để bảo vệ Tổ quốc. Gần 20 năm sinh sống, làm việc tại Điện Biên, anh em tôi đều rất tự hào và cảm nhận rõ hơn sự chiến đấu anh dũng của cha và đồng đội”.
Ông Trần Văn Sỹ, con trai ông Tứ
70 năm trôi qua, trong ký ức ông Tứ vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng của trận chiến và sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Ông Trần Văn Sỹ (SN 1965, con trai ông Tứ) cho biết, hàng chục năm sau chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ, từng nhiều lần đưa bố ra thăm lại chiến trường xưa.
Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Trần Văn Tứ - người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và viết tiếp bản hùng ca bất diệt.