Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ai bị cấm xuất cảnh?

Theo luật sư, quyết định cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng nếu cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc phải thi hành án.

Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh. Bộ Công an cho biết đây là thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt người tung tin sai sự thật.

Trường hợp này, ngoài chế tài hành chính, người tung tin có phải bồi thường trong doanh nghiệp hay không? Và theo quy định pháp luật, khi nào người dân bị cấm hoặc tạm hoãn xuất cảnh?

khi nao bi cam xuat canh anh 1

Ngày 11/7, Bộ Công an bác tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết xuất cảnh là việc một người đi ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam để ra nước ngoài. Cấm xuất cảnh là biện pháp nhằm hạn chế quyền đi ra nước ngoài của một người theo văn bản hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Trích dẫn quy định tại Điều 21 Văn bản hợp nhất Nghị định số 07/VBHN-BCA của Bộ Công an, ông Hậu cho biết công dân không được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc liên quan đến công tác điều tra tội phạm; đang chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế hay để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

Ngoài ra, pháp luật còn một biện pháp khác hạn chế quyền xuất cảnh của công dân đó là tạm hoãn xuất cảnh. Theo khoản 7, Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.

Căn cứ Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh 2019 và Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tạm hoãn xuất cảnh có thể áp dụng với các trường hợp chủ thể là bị can, bị cáo; người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được hoãn chấp hành án phạt tù; người phải chấp hành việc thi hành án dân sự hay người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng... Biện pháp này được sử dụng khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của những người này có dấu hiệu bỏ trốn

"Những trường hợp điển hình bị tạm hoãn xuất cảnh thời gian qua là ông Trịnh Văn Quyết và bà Nguyễn Phương Hằng. Sau đó, những người này đều bị khởi tố về các tội danh khác nhau. Có thể thấy, tạm hoãn xuất cảnh thường được sử dụng hơn, khi cơ quan chức năng đã thu thập đủ chứng cứ và hành vi của người vi phạm gần như đã rõ ràng. Việc áp dụng biện pháp này nhằm đảm bảo thuận lợi cho công tác điều tra, ngăn ngừa những người vi phạm bỏ trốn", ông Hậu bình luận.

Trường hợp cá nhân có thể liên quan tới vụ án song không đủ căn cứ xác định họ có hành vi phạm tội hay vi phạm pháp luật, ông Hậu cho biết không thể áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh đối với những người này.

Theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND; Chánh án, Phó chánh án TAND, Hội đồng xét xử và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Ngoài ra, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự cũng có quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc các trường hợp theo luật định.

khi nao bi cam xuat canh anh 2

Luật sư Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: NVCC.

Trở lại trường hợp tung tin giả liên quan tới tỷ phú Phạm Nhật Vượng, luật sư Hậu đánh giá bên cạnh chế tài hành chính, người tung tin còn có thể phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho doanh nghiệp.

Theo đó, thiệt hại có thể là việc giá trị cổ phiếu, bất động sản của Vingroup và các công ty sụt giảm; các hợp đồng với đối tác bị chậm ký kết hay các dự án chậm triển khai... làm ảnh hưởng tới hoạt động và lợi nhuận kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu bồi thường, đơn vị cần xác định rõ mức độ thiệt hại và chứng minh được rằng thiệt hại đó là do thông tin thất thiệt mà cá nhân tung tin gây ra. Trường hợp chứng minh được đủ các yếu tố trên, công ty có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Xử phạt người tung tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng

Chiều 11/7, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao ra quyết định xử phạt ông Tô Vĩ Hoàn.

Xác định người tung tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng

Bộ Công an đã xác định được 10 cá nhân có hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm