Sau 2 quý thị trường bị nén lại do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay trong tháng 10, sức mua bất động sản đã tăng nhanh trở lại với sự thành công trong hoạt động bán hàng của nhiều dự án tại TP.HCM và các địa phương vùng ven.
Tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra sáng 28/10, đại diện các chủ đầu tư và chuyên gia bất động sản, kinh tế cho thấy những triển vọng lạc quan của thị trường trong quý IV và năm 2022.
Bứt tốc trong quý IV
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết hiện nay, doanh nghiệp đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân khó khăn trong việc quay lại TP.HCM.
"Các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và tỉnh thành khác. Với tâm thế tăng tốc trong quý IV để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý III", bà Thanh Hương cho biết.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng nhận định thời gian qua dù nguồn cung giảm so với những năm trước, nhưng quý cuối năm được đánh giá là sôi động nhất. Khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động cho thị trường.
Tương tự, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group cũng cho rằng trong những năm qua, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Trong 1 tuần mà khách hàng đã giao dịch hàng trăm sản phẩm, điều đó cho thấy sự đón nhận tích cực của thị trường.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group
"Hiện nay, chúng tôi đang triển khai các dự án tại Đồng Nai và Bình Dương ở phân khúc 1 tỷ đồng trở lên, trong 1 tuần mà khách hàng đã giao dịch hàng trăm sản phẩm, điều đó cho thấy sự đón nhận tích cực của thị trường", bà Kim Oanh nói.
Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh kế hoạch bán hàng trong quý IV. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đánh giá về lượng giao dịch trên thị trường, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết lúc này, các đơn vị môi giới và chủ đầu tư đã tổ chức hoạt động giới thiệu dự án cho khách hàng cũng như giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đến nay, nhiều dự án đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này.
"Chúng tôi nhận thấy nhiều khách hàng đã đầu tư trở lại. Sau một khoảng thời gian dù khách hàng còn thận trọng nhưng vẫn có khởi sắc. Họ sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP.HCM, Bình Dương…", ông Phạm Lâm phân tích thêm.
Cùng với đó, các chủ đầu tư đang đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán để thu hút và hỗ trợ khách hàng.
Nhận định về xu hướng mới trong phát triển sản phẩm của các chủ đầu tư, ông Caleb Lau, Tổng giám đốc HongKong Land đánh giá với xu hướng làm việc tại nhà ngày càng phổ biến, người mua sẽ tìm kiếm căn nhà có không gian có thể sắp xếp văn phòng làm việc tại nhà và cần nhiều tiện ích trong không gian sống hơn.
"Về môi trường sống, người mua nhà sẽ mong muốn có thêm không gian xanh thông thoáng và tiện ích sẵn có trong khu vực dự án. Tương lai, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều nút hoặc hệ thống điều khiển không cần chạm tay ở các khu vực công cộng. Với sự thay đổi về thói quen tiêu dùng, các dự án nhà ở mới sẽ phải xem xét trong việc cung cấp không gian thích hợp cho các tủ khóa để chứa hàng hóa được giao và khu vực chờ cho shipper trong thời gian tới", ông Caleb Lau nói.
Đại diện các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan chức năng về mặt chính sách, quy định và luật để khắc phục những vướng mắc kéo dài trong nhiều năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thời gian qua, Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp rất thiết thực như Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 406 quyết định miễn, giảm thuế...
"Chúng tôi vui mừng vì những tháo gỡ cuối 2020 về đất công xen cài, song khâu tổ chức thực hiện còn chậm. Hiện mới chỉ 10 tỉnh ban hành quyết định, còn 3 địa phương trong đó có TP.HCM chưa ban hành. Có những quy trình về đầu tư xây dựng TP đã chỉ đạo sở ngành xây dựng nhưng nay vẫn chưa thực hiện, dẫn đến hồ sơ dự án ách tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng liên tục", ông Châu phân tích.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong 10 tháng đầu năm, Sở TNMT đã cấp hơn 13.000 sổ hồng và sẽ cố gắng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Cũng trong 10 tháng đầu năm, ngành tài nguyên môi trường TP.HCM đã giải quyết trên 80.000 hồ sơ vay vốn. Với con số này, ngân hàng đã giải ngân ra số tiền rất lớn để người dân và doanh nghiệp đưa đồng vốn này vào đầu tư, kinh doanh.
"Liên quan đến vướng mắc về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chúng tôi đã xây dựng quy trình xác định thời gian của Sở TNMT để gửi đến Hội đồng xác định giá đất. Vừa qua, chúng tôi đã thu tiền sử dụng đất một dự án hơn 11.000 tỷ đồng", ông Nguyễn Toàn Thắng nói thêm.
Thị trường bất động sản trong năm 2022 có nhiều động lực để phát triển mạnh mẽ trở lại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ông đã kiến nghị với TP.HCM trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, cần xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TP.HCM nói riêng.
"Đối với TP.HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cần nhóm chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, gỡ các nút thắt tồn đọng. TP.HCM có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xem đầu tư công là phương tiện giúp kích thích tăng tổng cầu. Kinh nghiệm cho thấy cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội 8-10 đồng", TS Trần Du Lịch nói.
Về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, tôi cho rằng rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xo.
TS Cấn Văn Lực
Đánh giá về bối cảnh của nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết quý IV được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
"Về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, tôi cho rằng rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xo. Thuận lợi tiếp theo là mục tiêu của Nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới. Môi trường pháp lý cũng sẽ có sự sửa đổi ở 4 bộ luật là Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng", TS Cấn Văn Lực phân tích thêm.