Nhóm nghiên cứu gồm 4 nam, 2 nữ thuộc dự án nghiên cứu về tác động tâm lý của một sứ mệnh không gian dài hạn đối với các phi hành gia.
"Thực sự hài lòng khi biết rằng tri thức thu được từ sứ mệnh của chúng tôi và các sứ mệnh khác của HI-SEAS sẽ đóng góp vào sứ mệnh Sao Hỏa cũng như các sứ mệnh không gian nói chung trong tương lai", nhà khoa học Samuel Paylor cho biết.
Theo AP, những dữ liệu thu được sẽ giúp Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lựa chọn các cá nhân và các nhóm có tiêu chuẩn phù hợp nhất để đương đầu với sự căng thẳng, cô lập và nguy hiểm trong chuyến đi kéo dài 2 đến 3 năm tới Sao Hỏa.
Các thành viên phi hành đoàn HI-SEAS rời sinh cảnh mô phỏng Sao Hỏa ở núi lửa Mauna Loa, Big Island, Hawaii, Mỹ, ngày 17/9. Ảnh: AP. |
Phi hành đoàn đã bị cách ly 8 tháng trên một đồng bằng rộng lớn dưới đỉnh Mauna Loa của Big Island, ngọn núi lửa hoạt động lớn nhất thế giới.
Các thành viên bị cô lập và phải mặc bộ đồ phi hành gia cũng như di chuyển theo nhóm bất cứ khi nào muốn rời căn cứ mái vòm. Khẩu phần ăn của họ chủ yếu là đồ đông lạnh hoặc đồ hộp để mô phỏng hành trình trên Sao Hỏa.
Tất cả thông tin liên lạc bị giới hạn trong 20 phút, thời gian cần thiết để nhận tín hiệu từ Sao Hỏa đến Trái Đất.
Phi hành đoàn được giao nhiệm vụ điều tra địa chất, nghiên cứu lập bản đồ và duy trì môi trường sống tự túc như thể họ đang sống trên Sao Hỏa.
Đây là dự án thứ 5 trong chuỗi 6 nghiên cứu được NASA tài trợ tại Đại học Hawaii với tên gọi Dự án Mô phỏng Khám phá Không gian Hawaii hay HI-SEAS.
NASA đã dành khoảng 2,5 triệu USD để đầu tư nghiên cứu tại cơ sở này. Cơ quan vũ trụ Mỹ hy vọng sẽ đưa con người tới hành tinh đỏ vào năm 2030.