Theo TS Doãn Minh Đăng (đang làm việc tại Đức), ở Đức có một giáo sư “đứng chân” ở một số trường đại học tương tự GS.TS H.N.L. của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Vị giáo sư người Đức này làm việc ở ĐH Weimar. Nhiều bài báo của vị giáo sư này cho sinh viên đứng tên trường, còn ông ấy đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng (hoặc một số trường khác ở châu Á). Các bài báo của ông nhận tài trợ của các quỹ nghiên cứu của EU và của Đức.
Cần có quy định mang tính pháp lý về liêm chính khoa học. Ảnh: Tiền Phong. |
TS Đăng lấy ví dụ từ đề tài của Đức, mã số DFG 392023639, vị giáo sư người Đức có 4 bài đứng tên cho ĐH Tôn Đức Thắng năm 2020. Tương tự, đề tài của châu Âu, mã số ERC COMBAT 615132, vị giáo sư này đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng 11 bài và ĐH Duy Tân 5 bài.
PGS.TS Lê Đức Niêm, Phó hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên, cho hay PGS.TS V.V.V. (người được phản ánh thực hiện đề tài Nafosted cho ĐH Tây Nguyên nhưng có bài báo đăng đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân) là một PGS trẻ, tài năng của trường.
Với đề tài Nafosted mà PGS V. chủ nhiệm, ông Niêm cho hay trường tôn trọng quy định của các nhà tài trợ bên ngoài. Nếu Hội đồng khoa học Quỹ Nafosted chấp nhận, đều đáp ứng được yêu cầu của nhà trường.
Trong quy chế, ĐH Tây Nguyên nêu rất rõ là tôn trọng quy định của các nhà tài trợ. Với điều kiện tài chính của nhà trường như hiện nay, trường ủng hộ và tạo điều kiện để các giảng viên kiếm được tài trợ nghiên cứu ở ngoài trường hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ông Niêm, đánh giá hoạt động khoa học của giảng viên phải dựa trên hợp đồng, nếu không sẽ phiến diện. Quan điểm của ĐH Tây Nguyên có nhà khoa học hàng đầu đến trường làm việc với một nhóm nghiên cứu mà ra được sản phẩm nghiên cứu họ đứng tên trường thì vô cùng quý. Việc liên kết nghiên cứu như thế không vi phạm luật hay quy định của ĐH Tây Nguyên.
Nhà trường đồng ý cho giảng viên tham gia thỉnh giảng, liên kết nghiên cứu. Việc cùng đóng góp để ra một sản phẩm là điều tốt, vấn đề là người sử dụng sản phẩm đó như thế nào. Đối với những đề tài do ĐH Tây Nguyên tài trợ, giảng viên tham gia không được phép đứng tên trường khác.
“Nhà trường tôn trọng công việc của các nhà khoa học. Nhưng điều kiện phải hoàn thành công việc theo định mức quy định của trường”, ông Niêm khẳng định.
Cần có quy định đồng bộ
Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh khác, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường ĐH không chấp nhận việc giảng viên “ăn cây táo, rào cây sung”. Đã có trường hợp một tiến sĩ ở một trường ĐH kinh tế lớn của cả nước phải chuyển công tác khi ăn lương của trường nhưng nhiều bài báo khoa học lại đứng tên tổ chức hay trường ĐH khác.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng từng phát hiện giảng viên của mình đứng tên bài báo khoa học ở trường khác. Ngay lập tức, ban giám hiệu đã nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt tình trạng này.
GS.TS Đinh Văn Phong, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, từng phụ trách lĩnh vực khoa học công nghệ, nói rằng nguyên tắc của trường là giảng viên ăn lương ở đâu phải ghi tên ở đó. Đây cũng là nguyên tắc chung cả thế giới.
Ông Phong lấy ví dụ một giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội làm nghiên cứu sinh ở phòng thí nghiệm nước ngoài, khi có bài báo thì “đẹp nhất” là ghi địa chỉ cả hai đơn vị. Các nghiên cứu sinh ở nơi khác đến ĐH Bách khoa Hà Nội làm tiến sĩ cũng thế. Tuy vậy, trường cũng có vài trường hợp vi phạm nguyên tắc này, nhưng trường cũng chỉ nhắc nhở vì không có quy định.
Theo GS Phong, có tình trạng giảng viên viết bài đăng nhưng cho người ở trường khác đứng chung “sân” và người đó được trường ĐH kia thưởng. Theo ông Phong, câu chuyện liêm chính khoa học hay đạo đức khoa học cần phải có quy định đồng bộ từ luật hoặc dưới luật là nghị định để các trường có thể thực hiện công khai, minh bạch.
“Từng có những tình huống ĐH Bách khoa Hà Nội ra quy định siết một vấn đề nào đó nhưng lại có ý kiến so sánh trường nọ, trường kia nới nên rất khó làm. Chính vì vậy, cần có sự đồng bộ để các trường triển khai”, ông Phong nhìn nhận.
Theo TS Doãn Minh Đăng, cơ chế lấy ý kiến những người độc lập cho các quyết định cấp tài trợ nghiên cứu, tuyển dụng nhân sự ở các trường ĐH Đức được tiến hành khá cẩn trọng. Yêu cầu quy trình phải đàng hoàng và minh bạch, các trường muốn tuyển dụng gì cũng cần phải đưa thông tin tuyển dụng lên Internet, bỏ sót một bước nào đó là rất phiền.
Trong quy trình đó, nếu ai đó phản ánh rằng có sự thiên vị hay mờ ám, nhà nước sẽ điều tra và có thể dẫn đến phạt, cắt kinh phí. Do vậy, cộng đồng khoa học có vai trò giám sát quan trọng đối với các nhà khoa học, ít người muốn vi phạm những quy ước bất thành văn trong cộng đồng của mình.