Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ giảm ít nhất 40% lợi nhuận

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.

Thông tin được Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4.

Phó thống đốc thường trực cho biết, để giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40%.

“Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỷ đồng thì năm nay phải giảm 30-40% lãi. Ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỷ cho vấn đề hạ lãi suất”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã đề cập tới giải pháp giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài việc giảm một loạt lãi suất điều hành, NHNN tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc 0,2%/năm để phát tín hiệu giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại hồi cuối tháng 3, các nhà băng này cũng đã đồng thuận tiếp tục giảm thêm 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.

Ngan hang quoc doanh se giam it nhat 40% loi nhuan anh 1

Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ phải dành ít nhất 40% lợi nhuận năm để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã bắt đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ. Đồng thời, thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 6.400 khách hàng, tổng dư nợ 125.242 tỷ (số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng).

Các ngân hàng cũng đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-3% so với lãi thông thường.

Riêng về các khoản giải ngân mới, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết ngân hàng đã cho vay mới trên 354.000 khách hàng với doanh số 165.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ); bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ), nông, lâm, thủy sản (16.000 tỷ)…

Trước đó, lãnh đạo Vietcombank cũng đưa ra tính toán với quy mô gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự tính là 120.000 tỷ (gồm cả dư nợ mới và giảm lãi dư nợ hiện tại) nhà băng này sẽ giảm thu nhập khoảng 300 tỷ.

Trong khi đó, BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm quốc doanh đã tổ chức đại hội cổ đông 2020 với kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ, tăng 15% với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát sớm.

Tại Agribank, nhà băng này đã công bố gói tín dụng 100.000 tỷ cho vay mới với lãi suất thấp cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất sẽ giảm 1% so với lãi thông thường với dư nợ vay bằng đồng Việt Nam và giảm 0,5% đối với ngoại tệ.

VietinBank cũng cho biết đã giảm từ 0,5% đến 1,5% lãi suất cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Đồng thời cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ 18.000 tỷ, chiếm 2% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

BIDV cuối tháng 3 vừa qua cũng tung gói tín dụng 30.000 tỷ áp dụng đến 31/7 hoặc khi hết gói để hỗ trợ cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việt Nam cần ưu tiên gì để phục hồi kinh tế?

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tái cơ cấu và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế… là những vấn đề chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện hậu dịch Covid-19.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm