Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhóm kỹ sư vũ trụ lọt vào hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc

Những chuyên gia từng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc vũ trụ giờ đây phụ trách những địa phương quan trọng hàng đầu với nền kinh tế và an ninh của quốc gia tỷ dân này.

ky su vu tru anh 1

Khi danh sách 24 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc được công bố trưa 23/10, giới quan sát sớm chú ý đến hai cái tên: Bí thư Tân Cương Mã Hưng Thụy và Bí thư Chiết Giang Viên Gia Quân - những người từng là đồng nghiệp tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC).

Sự thăng tiến của hai người này là biểu tượng cho sự thành công mà các kỹ sư vũ trụ Trung Quốc gặt hái được khi tham gia chính trường trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Chính trị gia "thẳng thắn và nguyên tắc"

Ông Mã sinh năm 1959 tại một thành phố mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang. Thời điểm ông học xong phổ thông cũng là lúc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc kết thúc và hệ thống thi tuyển vào đại học được khôi phục. Theo China Daily, nếu không có diễn biến này, ông Mã có thể đã theo bước cha và các anh vào khu mỏ làm việc.

Xuất thân từ gia đình công nhân mỏ, ông Mã ứng tuyển vào một trường khai khoáng ở Liêu Ninh. Dù vậy, số phận đã đưa ông đến với ngành cơ khí khi vị chính trị gia tương lai được tuyển vào khoa kỹ thuật cơ khí nhờ thành tích học tập tốt.

China Daily cho biết ông Mã thường là người cuối cùng rời khỏi lớp học hay thư viện và thường xuyên tự học khi rảnh rỗi. Ông cũng được miêu tả là người ít khi ra khỏi trường mà chủ yếu xem phim để giải trí.

ky su vu tru anh 2

Bí thư Khu ủy Tân Cương Mã Hưng Thụy. Ảnh: Reuters.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Mã học liền lên thạc sĩ rồi tiến sĩ, trước khi về công tác tại Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân năm 29 tuổi. Chỉ 5 năm sau, ông trở thành chủ nhiệm khoa kỹ thuật và cơ học hàng không. Tới năm 37 tuổi, ông đã là phó hiệu trưởng của trường.

Ngay sau đó, ông chia tay công tác giảng dạy và được điều về CASC. Tại đây, ông tiếp tục nghiên cứu về vệ tinh cỡ nhỏ - lĩnh vực mà ông được coi là một trong những người tiên phong tại Trung Quốc.

Ông Mã cũng là chỉ huy trưởng sứ mệnh Hằng Nga 3, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba đưa được tàu vũ trụ lên Mặt Trăng năm 2013.

Cũng trong năm này, ông Mã rời CASC để bắt đầu sự nghiệp chính trị. Sau một thời gian ngắn, ông được điều về Quảng Đông, giữ cương vị phó bí thư tỉnh ủy, bí thư Thâm Quyến, rồi tỉnh trưởng.

Giới chức Quảng Đông miêu tả ông Mã là người “nhìn xa trông rộng” và có óc đổi mới, theo Tân Hoa xã. Một cựu đồng nghiệp tại Cáp Nhĩ Tân nhớ về ông Mã như một người “thẳng thắn và nguyên tắc”, một nhà lãnh đạo công bằng, đối xử với cấp dưới bằng sự chân thành và ấm áp”.

Cuối năm 2021, ông Mã được thăng chức Bí thư Khu ủy Tân Cương - một vị trí thường xuyên có ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc những khóa gần đây. Từ đó, giới phân tích đã nhận định vị cựu kỹ sư vũ trụ này nhiều khả năng sẽ trở thành ủy viên Bộ Chính trị sau đại hội XX.

Vị bí thư thí điểm "thịnh vượng chung"

Ông Mã không phải chuyên gia hàng không vũ trụ duy nhất được bầu vào Bộ Chính trị khóa XX. Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Viên Gia Quân, người từng là cấp phó của ông Mã tại CASC, cũng có tên trong danh sách những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

Ông Viên sinh năm 1962 tại tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Tới năm 33 tuổi, ông được bổ nhiệm làm phó chỉ huy trưởng chương trình Thần Châu - dự án tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc.

Ông Viên tham gia chỉ đạo 5 sứ mệnh Thần Châu - bao gồm sứ mệnh Thần Châu 5 chở theo nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc Dương Lợi Vĩ. Tất cả sứ mệnh này đều thành công, South China Morning Post cho biết.

Năm 2007, khi ông Mã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc CASC, ông Viên cũng nhậm chức phó tổng giám đốc công ty này. Ông tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong các chương trình thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa của Trung Quốc.

ky su vu tru anh 3

Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Viên Gia Quân. Ảnh: VCG

Tới năm 2012, ông Viên rời CASC để tới Ninh Hạ. Hai năm sau, ông được điều tới tỉnh Chiết Giang.

Chiết Giang được coi là một trong những tỉnh phát triển năng động hàng đầu tại Trung Quốc. Bloomberg cho biết 4/10 người giàu nhất Trung Quốc - bao gồm tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba - đặt trụ sở công ty tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang.

Chiết Giang cũng được coi là một trong những “vườn ươm cán bộ cấp cao” của Trung Quốc. Trong số 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX, có tới ba người từng công tác tại Chiết Giang: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tập Cận Bình, nguyên Tỉnh trưởng Lý Cường và nguyên Phó tỉnh trưởng Thái Kỳ - người tiền nhiệm trực tiếp của ông Viên.

Tháng 6/2021, chưa đầy một năm sau khi ông Viên trở thành bí thư tỉnh ủy, chính quyền trung ương Trung Quốc chọn Chiết Giang là nơi thí điểm các chính sách giảm bất bình đẳng - vốn được coi là một phần trong chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập.

“Nguyên nhân Chiết Giang được lựa chọn có thể đến từ nền kinh tế thị trường mạnh mẽ ở tỉnh này”, ông Kevin Chen, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn - một tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh - nói với Bloomberg.

Với tư cách người đứng đầu tỉnh, ông Viên chịu trách nhiệm thực thi các chính sách mới. “Thịnh vượng chung không chỉ là khái niệm phát triển xã hội, mà còn là thay đổi đến từ việc thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn và trong thu nhập của người dân”, ông Viên nói, theo Global Times.

Một bài báo của Tân Hoa xã tháng 9 năm nay ca ngợi Chiết Giang đã đạt được sự phát triển “cân bằng và hài hòa hơn”.

Nhóm nhân sự thêm ảnh hưởng

Việc ông Mã và ông Viên được bầu vào Bộ Chính trị khẳng định xu hướng nổi lên của giới kỹ sư hàng không vũ trụ trong hệ thống chính trị Trung Quốc những năm gần đây.

Chia sẻ với Zing ngay trước đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến sĩ Lea Shih tại Đại học Trier (Đức) chỉ ra óc sáng tạo, năng lực dự báo và khả năng kết hợp giữa lý thuyết và thực tế là những nguyên nhân giúp các kỹ sư vũ trụ được Bắc Kinh trọng dụng.

Ngoài ngành hàng không vũ trụ, Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX còn có nhiều chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực khoa học - công nghệ khác.

ky su vu tru anh 4

Ông Mã (trái) và ông Viên (phải) thị sát công tác chuẩn bị cho sứ mệnh Thần Châu 7 năm 2008. Ảnh: CASC.

Bí thư Sơn Đông Lý Cán Kiệt và Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh là chuyên gia về môi trường. Bí thư Liêu Ninh Trương Quốc Thanh từng là lãnh đạo Norinco - tập đoàn sản xuất trang thiết bị quốc phòng hàng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, Bí thư Phúc Kiến Doãn Lực là chuyên gia y tế công cộng, từng tham gia chống dịch SARS năm 2003.

Ngoài ông Mã và ông Viên, bốn chính trị gia còn lại đều đi du học sau khi tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc. Ông Lý học về an toàn hạt nhân tại Pháp, trong khi ông Trần từng học tiến sĩ và nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London (Anh).

Bên cạnh đó, tân ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc Lý Thượng Phúc cũng có hàng chục năm công tác tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, nơi ông giám sát hàng loạt vụ phóng tên lửa, vệ tinh và tàu vũ trụ, bao gồm các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng mà ông Mã và ông Viên tham gia chỉ đạo.

Trong số 205 ủy viên trung ương đảng Trung Quốc khóa XX, 29 người là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học hoặc Viện Hàn lâm Công trình Trung Quốc, tăng 4 người so với khóa XIX, Tân Hoa xã cho biết.

Những chính trị gia xuất thân khoa học kỹ thuật “thường đơn giản và thực tế hơn so với các cán bộ từ ngành khác”, ông Wu Junfei, một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Văn hóa Hong Kong - Trung Quốc, nhận định với South China Morning Post.

“Họ là những người từng hiện thực hóa những dự án quốc gia quan trọng và tham vọng nhất của Trung Quốc”, ông Wu nói.

Lễ ra mắt Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc Ông Tập Cận Bình cùng 6 thành viên khác của Ban thường vụ Bộ Chính trị mới đã lần lượt bước lên khán đài trong tiếng vỗ tay và trước sự quan sát của đông đảo báo giới.

Sự nổi lên của các kỹ sư vũ trụ trong hệ thống chính trị Trung Quốc

Trao đổi với Zing, các chuyên gia nhận định thành công của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc trong thời gian qua giúp giới kỹ sư này có cơ hội tiến xa hơn trong hệ thống.

24 ủy viên Bộ Chính trị mới của Trung Quốc

Ban Chấp hành Trung ương khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng 23/10 đã bầu ra 24 ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, trong đó có 17 gương mặt mới.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm