Nhóm Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) biểu tình kêu gọi khách du lịch sử dụng xe đạp thay vì voi để di chuyển đến địa điểm danh lam thắng cảnh trong khu vực, theo Guardian.
Khoảng 100 con voi được sử dụng để chở khách du lịch trên tuyến đường dài hàng km đến Pháo đài Amber. Con đường rất dốc và trải đầy đá cứng. Tổng trọng lượng của khách du lịch, người giữ voi và ghế ngồi trên lưng voi có thể lên tới 300 kg.
"Đây không chỉ là vấn đề về việc huấn luyện voi một cách bạo lực, mà còn là vấn đề về sức khỏe của chúng. Nhiều con voi bị bệnh lao, bệnh về máu, mù lòa, suy dinh dưỡng và chấn thương chân do đi lại trên mặt đường gồ ghề", bà Kirsty Warren từ nhóm Bảo vệ Động vật Thế giới nói.
Nhóm bảo vệ động vật này đã vận động chống lại việc cưỡi voi trong vài năm nay. Tuy nhiên, các nhóm này chỉ có thể thuyết phục giảm được số lượng hành khách tối đa trên lưng voi từ bốn người xuống còn hai người, cũng như giảm số lượt chuyên chở tối đa xuống còn 5 lượt/ngày vào mùa đông và 3 lượt/ngày vào mùa hè.
Mỗi con voi có thể phải chở trọng lượng lên tới 300 kg trên lưng. Ảnh: Getty. |
Chủ sở hữu voi nói cần duy trì hoạt động này vì đây là sinh kế của họ. Bộ Du lịch Ấn Độ coi dịch vụ cưỡi voi là hình thức thu hút du khách. Nhiều khách du lịch chọn cưỡi voi thay vì đi xe jeep vì muốn trải nghiệm thử cảm giác mới lạ.
Đại diện nhóm Bảo vệ Động vật Thế giới đã đề xuất nhiều phương án thay thế cho chính quyền địa phương. "Thay vì cưỡi voi, chúng tôi muốn khách du lịch sử dụng xe đạp, nhưng không phải đi trên con đường dốc đó mà là trên một con đường bằng phẳng hơn đến pháo đài", Gajender K Sharma, giám đốc tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới tại Ấn Độ, nói.
"Chúng tôi cũng vận động chính quyền mở khu bảo tồn cho voi gần pháo đài để khách du lịch đến tham quan chúng trong môi trường tự nhiên. Đây có thể là điểm thu hút khách du lịch mới", ông nói thêm.
"Voi vẫn là động vật hoang dã ngay cả khi đã được thuần hóa. Con người đã lợi dụng tính hiền lành và trầm tĩnh của chúng để khiến chúng phục tùng. Nhưng nó vẫn là động vật hoang dã", ông cho biết.
Ông Sharma cho biết ông cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải chứng kiến đàn voi đứng dưới cái nóng dữ dội của mùa hè Ấn Độ, trên những con đường bê tông, chen lấn giữa đám đông và không có lấy một bóng cây hay ngọn cỏ nào. "Bạn có thể thấy nỗi đau khổ trong mắt chúng. Đôi mắt như đang nói ‘thế là đủ, thế này là đủ lắm rồi'", ông nói.