Sau chuỗi ngày đi ngang, thị trường chứng khoán đã có sự bứt phá đi lên trong phiên cuối tuần. Thanh khoản thị trường cũng tăng tiến khi đây là ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của 2 quỹ ETF lớn nhất thị trường (quỹ ngoại V.N.M và FTSE).
Chỉ số VN-Index mở cửa nhanh chóng lấy được sắc xanh và dễ dàng vượt ngưỡng kháng cự mạnh 1.480 điểm nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ. Tuy nhiên việc tiến về vùng kháng cự 1.490 điểm gặp nhiều khó khăn khi lực mua vẫn chưa đủ lớn và lan rộng.
Đà bán bất ngờ tăng mạnh trong phiên ATC khiến các chỉ số rơi mạnh. Chốt phiên VN-Index còn tăng 3,18 điểm (0,22%) lên gần 1.480 điểm với độ rộng thị trường tương đối cân bằng.
Trong khi đó HNX thậm chí còn bất ngờ giảm nhẹ 0,18% lui về 456,2 điểm dù duy trì sắc xanh suốt cả phiên giao dịch trước giờ ATC. Tương tự UPCoM-Index cũng giảm nhẹ 0,12% còn 111,6 điểm.
Chứng khoán tăng điểm trong phiên cuối tuần. Đồ thị: TradingView. |
Đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index chính là nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup. Trong đó VHM của Vinhomes tăng 2,7% để trở thành mã chứng khoán có tác động lớn nhất cho thị trường khi góp gần 2,5 điểm vào chỉ số.
Tương tự VIC của Vingroup tăng 2% và VRE của Vincom Retail tăng 2,3% trong phiên, cũng nằm trong nhóm có tác động tích cực nhất khi đóng góp thêm lần lượt gần 2 điểm và 0,4 điểm. Tổng đóng góp của 3 mã thuộc Vingroup là gần 4,9 điểm và là tác nhân quan trọng nhất để giúp chỉ số chính có được sắc xanh.
Sự tăng giá của Vinhomes cũng là đầu tàu kéo dòng tiền chạy vào nhiều cổ phiếu bất động sản để có mức tăng giá tốt trong phiên. Đáng kể như DIG tăng 4,4%, KDH tăng 4,1% cũng có mặt trong nhóm tác động tốt nhất lên chỉ số. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn cũng hút dòng tiền và đẩy thị giá lên mức trần như VPH, VCG, LDG, TBH, PPI, PVR, VCR... Đà tăng giá này còn đến từ hiệu ứng đấu giá đất ở Thủ Thiêm kéo dài từ đầu tuần đến nay.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực với sắc xanh đang lan rộng hơn, trong đó các mã lớn đầu ngành như HCM, SSI, VND, SHS, VCI... đang tăng mạnh khoảng 3-6%.
Ở chiều ngược lại cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế do sự lao dốc của VCB (thuộc diện giảm tỷ trọng của các quỹ ETF). Mã chứng khoán của Vietcombank mất 2,6% giá trị và có tác động xấu nhất đến chỉ số.
Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu ngành thép cũng giảm khá mạnh với biên độ 2-3% trong phiên. Tương tự là đà giảm của cổ phiếu dầu khí với mức giảm dao động 1-4%. Nhiều cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC Group cũng lao dốc từ mức giá trần xuống sắc đỏ như FLC, ROS, HAI, AMD...
Do đây là phiên có sự tác động của các quỹ ETF ngoại nên thanh khoản có sự tăng lên đáng kể. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 27% đạt 37.963 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh tại sàn HoSE cũng tăng 27% chiếm gần 32.000 tỷ đồng.
Sức giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng lớn hơn khi họ bán mạnh 3.887 tỷ và mua vào 3.183 tỷ đồng; tương đương với giá trị bán ròng hơn 700 tỷ đồng. Khối ngoại tập trung bán mạnh VPB, VCB, HPG trong khi đẩy mạnh mua VND, IDC.
Nhóm cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: VNDirect. |
Trước đó, phần lớn các đơn vị phân tích cho rằng thị trường khả năng cao vẫn tích lũy cho xu hướng tăng trung hạn.
Agriseco nhận định thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng giá ngắn hạn trong các phiên tới. Trong trường hợp đồ thị ngày hình thành cây nến đóng cửa trên mức 1.480 điểm trong phiên 16/12 thì VN-Index sẽ tiến lên chinh phục lại mốc 1.500 điểm vào cuối tháng 12.
Chứng khoán SHS tin rằng thị trường có thể tăng điểm trong phiên cuối tuần để thu hẹp dần khoảng cách với kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải có thể canh những nhịp tăng điểm hướng tới ngưỡng tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần danh mục.