Tuy nhiên, tại nơi cao nguyên lởm chởm đầy đá và hoang vu ấy, với công việc hàng ngày vất vả và đầy nhọc nhằn như Vừ Thị Mỵ (21 tuổi) - cô đỡ thôn bản người dân tộc Mông ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang thì ngoài những đồng lương ít ỏi chỉ mấy trăm ngàn một tháng, cô không có thêm một khoản tiền thưởng Tết nào.
Thiên thần hộ mệnh vùng cao
Men theo những con đường núi lởm chởm đầy đá, tôi có dịp theo chân chị Mỵ đến nhà một sản phụ người dân tộc Mông để khám thai.
Trong căn phòng tối om, chỉ có một chiếc bóng đèn đỏ nhỏ soi được một góc phòng. Mỵ cẩn trọng đưa chị Sùng Thị Má đang mang thai 8 tháng nằm trên giường để khám và nghe tim thai.
Với chiếc ống nghe tim thai dài và to bằng nhựa, Mỵ tập trung ghé sát tai để nghe tim thai, tay lần lần để kiểm tra vị trí thai cho thai phụ.
Mỵ bảo: “Thai tám tháng, vẫn ổn, nhưng ngôi thai ngược, Má không thể tự đẻ ở nhà được đâu nhé, Mỵ cũng không đỡ được, vì ca này hơi đặc biệt, nên Má phải xuống bệnh viện huyện để bác sỹ có chuyên môn họ đỡ cho nhé.”
Cô đỡ Vừ Thị Mỵ nghe tim thai cho thai phụ |
Nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang gần 200km, xã Lũng Cú là điểm cực bắc của Việt Nam.
Từ thành phố Hà Giang, đường lên Lũng Cú như những con rắn uốn lượn vòng quanh, đôi lúc làm du khách thót người vởi những khúc cua liên tục. Hai bên đường là bạt ngàn những phiến đá, những ngọn núi trùng trùng điệp điệp.
Chỉ khoảng 10 năm về trước, người dân ở nhiều xã vùng cao của tỉnh Hà Giang chỉ biết dùng lá cây rừng hay nhờ thầy mo cúng cho khỏi bệnh mỗi khi bị ốm đau.
Nhưng giờ đây, mọi sự đã thay đổi, chăm sóc y tế tại huyện Đồng Văn, đặc biệt là xã Lũng Cú - nơi địa đầu Tổ quốc - đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bào đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tôi có dịp được theo chân Mỵ đi khám thai cho người dân tộc nơi đây và cảm nhận rõ hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn trong công việc của những cô đỡ nơi vùng núi vùng sâu ngút ngàn của đất nước.Cô đỡ trên con đường mòn tới nhà những thai phụ |
Trong căn nhà đất mà những viên sỏi nhấp nhô lởm chởm trên sàn, Mỵ nhanh nhẹn xếp gọn ống tai nghe, dụng cụ nghe tim thai... vào chiếc hòm đựng đồ y tế nhỏ xinh, rồi khoác cho mình chiếc áo nữ hộ sinh màu trắng để đi khám thai cho một bệnh nhân.
Vừa đi, cô gái 21 tuổi này vừa tâm sự: “Trước đây người dân trong xã toàn đẻ ở nhà, chỉ có các bà cụ đỡ thôi, nên xảy ra nhiều tai biến như chảy máu nhiều, uốn ván rốn.”
Sau khi xã có chỉ tiêu về suất học cô đỡ thôn bản, Mỵ đã đăng ký đi học khóa học 9 tháng sơ cấp cô đỡ thôn bản và 9 tháng sơ cấp y tế thôn bản để có thêm hiểu biết về công việc cũng như mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã.
Đi cùng chị trên con đường dài hơn 2km nhỏ nhưng gập gềnh đầy bùn đất và đá sỏi. Có những đoạn còn ngập nước do mấy hôm trước trời mưa nặng hạt. Chiếc xe máy xóc lên xóc xuống trên vệt đường mòn nhỏ chỉ đủ lọt một chiếc bánh xe đi qua. Nếu không phải là tay lái quen ở đây, có lẽ khó ai có thể đi trên con đường này được.
Vừa đi, Mỵ vừa kể chuyện về công việc, về những niềm vui và vất vả trong nghề. Khi được hỏi đã đỡ đẻ bao nhiêu ca rồi, chậm rãi một chút, Mỵ trả lời đến chính bản thân cô cũng không nhớ ba năm qua đã đỡ được bao ca sinh nở, chỉ biết rằng chưa có một ca tai biến nào xảy ra cả.
Thường mỗi tháng cô quản lý khoảng 3-4 thai phụ, nhưng riêng trong tháng 12 này, Mỵ cho biết cô đang phải theo dõi tới 8 ca liền. Theo chân cô đỡ thôn bản nơi vùng cao này mới thấy hết được những nỗi nhọc nhằn của họ. Có những thai phụ ở xa, Mỵ phải vừa đi xe máy, vừa đi bộ theo con đường mòn để vào nhà họ.
Với dáng người mảnh mai và nhanh nhẹn, vừa bước vào nhà chị Sùng Thị Má - Thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, Mỵ niềm nở thăm hỏi bệnh nhân: “Dạo này sức khỏe thế nào? Em bé vẫn máy đều đều chứ? Có thấy đau phần bụng bất thường không?”Câu chuyện của hai người toàn tiếng Mông, thỉnh thoảng Mỵ lại phải làm công việc của một phiên dịch viên, dịch vài câu hỏi của tôi để Má trả lời.
Nói về việc khám chữa bệnh, anh Làu My Say – chồng của Sùng Thị Má cho biết: “Trước đây mỗi lúc ốm đau, cả gia đình Say đều phải đi tìm thầy mo, thầy cúng để chữa cho khỏi “cái bệnh” chứ còn hai từ “bác sỹ” thì nghe lạ tai lắm.
Nhưng từ khi có trạm y tế ngay gần nhà thì Say và Má không còn đi tìm thầy cúng nữa. Khi Má mang thai lại có cô đỡ đến tận nhà chăm sóc nên cả nhà yên tâm.”
Chị Vàng Thị Xuyến – Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú tâm sự:“Từ ngày có con mình hay đau bụng lắm, trước mình toàn đi lấy lá cây rừng về băng ngoài bụng thôi. Nhưng lần này cô đỡ khám rồi, có gì bất thường cô đỡ sẽ tư vấn và chỉ dẫn cho nên yên tâm.”Mỵ chia sẻ, trước đây, người dân thường để sản phụ đẻ tại nhà, không cho người ngoài đỡ... dẫn đến những tai biến sản khoa rất đáng tiếc. Do tập tục như vậy nên việc tư vấn, quản lý thai sản, khám thai định kỳ ở đây gặp nhiều khó khăn.
Chức danh mới trong ngành y tế
Tử vong do tai biến sản khoa là vấn đề xảy ra khá nhiều và được rất nhiều người quan tâm. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản được ngành y tế đánh giá là một giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, cải thiện công tác chăm sóc trước, sau sinh, giảm chuyển tuyến và giảm ca tai biến.
Thông tư 07/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ra đời đã chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình của nhân viên y tế thôn bản. Đội ngũ này được đào tạo và có chính sách thỏa đáng để động viên, ổn định công việc.
Thông tư cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế và cứu sống bà mẹ và trẻ em.
Mỵ thăm hỏi sức khỏe cho một thai phụ. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Giang cho biết, đề án cô đỡ thôn bản được triển khai tại tỉnh Hà Giang từ năm 2008. Cho đến nay, tại tỉnh đã đào tạo được tổng cộng 63 cô đỡ. Vừa qua, tỉnh đã đào tạo được thêm 30 cô đỡ thôn bản mới, nhưng họ vừa mới ra trường và vẫn chưa đi làm.
Đằng sau những kết quả tích cực đó, mấy ai biết được sự vất vả, khó nhọc mà đội ngũ cô đỡ thôn bản từng ngày đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, bà Hương cũng phân tích, hiện nay, những chế độ chính sách dành cho các cô đỡ vẫn thấp. Chẳng hạn như Mỵ chỉ có hơn 500.000 đồng/tháng, trong khi công việc phải đi lại rất nhiều.
“Mức lương như vậy là quá thấp so với công việc mà các em phải đảm nhiệm. Sở Y tế chưa cho nguồn kinh phí thêm để hỗ trợ cho các cô đỡ thôn bản. Hiện tại, ngành y tế cũng đang kêu gọi các tổ chức trong nước và nước ngoài hỗ trợ thêm cho họ.” bà Hương cho hay.
Tại các tỉnh miền núi, cô đỡ thôn bản như là những hạt nhân trong việc vận động các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ đi tiêm chủng; khám, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp thai nhi to, tiền sản giật, băng huyết, thai nằm ngôi ngang…
Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế vừa yếu vừa thiếu; dân cư phân tán, giao thông đi lại không thuận lợi…thì giải pháp cô đỡ thôn bản là phù hợp nhất cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Các cô đỡ sẽ tuyên truyền giúp người dân bỏ dần các hủ tục, tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và trẻ trong cả quá trình mang thai và sinh đẻ.
Hà Giang cũng là tỉnh mà người đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới trên 85%, với địa hình hiểm trở và chia cắt. Những công việc như cô đỡ Mỵ đang làm trong ba năm nay không mấy người làm được ở các vùng núi đá cao nhất của tỉnh miền núi Hà Giang.
Chính vì vậy, mô hình cô đỡ thôn bản là người dân tộc cần được nhân rộng và duy trì bền vững. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những động thái quan tâm và tích cực hơn để khuyến khích và có những chính sách tạo điều kiện cho các cô đỡ yên tâm làm việc.