Một đám tang ngoại lệ, như một thường dân, tổ chức ngay tại ngôi nhà trong khu tập thể gia đình mà ông đã gắn bó hơn nửa thế kỷ. Từ chối một vị trí trang trọng với đông đúc bạn bè văn nghệ và quan chức xứng với danh vị Đại tá, Phạm Ngọc Cảnh chọn cách chia ly đầm ấm với những công dân bình thường trong xóm lao động mà từ lâu đã biết và yêu quý ông như một biểu tượng đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Rời quê hương Thạch Hà - Hà Tĩnh từ năm 14 tuổi, ông vào một đơn vị bộ đội ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Ở đó, ông theo Phạm Duy học nhạc, rồi theo Bửu Tiến làm kịch để thành một diễn viên kịch có tiếng. Sau hòa bình 1954, Phạm Ngọc Cảnh ở Đoàn kịch Quân đội, xây dựng gia đình.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. |
Vợ ông là chị Tỵ, lấy chồng xong chuyển ngành làm công nhân từ ngày Nhà máy gỗ Cầu Đuống mới ra đời. Còn Phạm Ngọc Cảnh cứ biền biệt khi chiến trường Trị Thiên (tức B4) những ngày đầu đánh Mỹ, Mậu Thân, theo đơn vị văn công vào thành phố Huế bám trụ gần một tháng. Chưa dứt tiếng súng phía Bắc, lại theo bước chân bộ đội tình nguyện sang Campuchia. Ông có hai con trai, nhưng đi chiến trường biền biệt, chỉ thấy một mình chị Tỵ vừa làm lụng vừa nuôi con.
Mãi đến đầu năm 1971, từ chiến trường Trị Thiên ra học ở Học viện Chính trị, rồi đột ngột được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lần đầu tiên tôi được gặp Phạm Ngọc Cảnh. Quảng Trị, rồi Vĩnh Linh - vĩ tuyến 17 - giới tuyến quân sự tạm thời - là những địa danh quê tôi, và cũng là nơi Phạm Ngọc Cảnh thông thuộc từ 9 năm chống Pháp, rồi chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ. Bao địa danh quen thuộc, nào binh trạm, dốc đèo, sông suối, từng chiến dịch, trận đánh hai đứa đã từng qua, cả Thạch Hà - Hà Tĩnh quê nhà mà ông rời xa từ những năm đầu chống Pháp để vào bộ đội, cũng là nơi tôi từng đến những năm còn thơ ấu. Bấy nhiêu kỷ niệm, những ký ức thời lính chiến là những lý do để qua trò chuyện chúng tôi gần gũi, thân thiết với nhau.
Cũng như Thu Bồn, không hơn tôi bao nhiêu tuổi, nhưng các anh đã hơn chúng tôi một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ là 9 năm chống Pháp. Lại còn 10 năm hòa bình trên miền Bắc các anh vẫn trong màu áo lính, nên nhiều dịp cùng nhau đi công tác sau này, nơi tôi đến lần đầu với bao bỡ ngỡ, thì các anh đã biết tường tận tự bao giờ. Không chỉ đặc điểm địa hình, tên làng tên bản, mà còn nhớ, quen tên từng người, từng đồng chí ngày nay đã thành chỉ huy đơn vị để trong câu chuyện hàn huyên thắm đượm biết bao nghĩa tình.
Trước khi về Văn nghệ Quân đội, nhiều năm Phạm Ngọc Cảnh đã là diễn viên các đoàn Văn công trong Quân đội. Từ Văn công Bình Trị Thiên những năm chống Pháp, rồi Kịch nói Tổng cục Chính trị, văn công Quân khu Trị Thiên mấy năm chống Mỹ ông đều kinh qua cả. Thơ ông với rất nhiều địa danh là nhật ký của chính cuộc đời nhiều biến động, thiên di của một người lính luôn tới bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần và làm bất cứ việc gì được tổ chức phân công. Và ở bất cứ đâu, người lính tài hoa này cũng làm tốt hơn một vị trí công tác cụ thể.
Từng là một diễn viên kịch đẹp trai, mà vai Trung úy Phương trong kịch Nổi gió là một dấu ấn khó phai; một giọng ngâm thơ điệu đàng, có duyên, ông luôn được biết đến là một nhà thơ không có tuổi. Làm thơ từ những ngày còn chống Pháp, nhưng Phạm Ngọc Cảnh luôn được xếp trong hàng đầu những nhà thơ thời chống Mỹ. Đến thời bình, những tìm tòi mới trong thơ lại đặt thơ Phạm Ngọc Cảnh cạnh lớp hậu sinh nhiều cách tân về ngôn từ, vần điệu. Phạm Ngọc Cảnh ít khi nói to, nhưng thơ thì luôn nâng lên tầm suy tưởng lớn với những Sư đoàn, Đêm Quảng Trị, Đêm xuân Huế đỏ cờ bay, Những sân ga... Những chuyến tàu, Lý ngựa ô ở hai vùng đất…
Mùa xuân năm 1975, niềm vui thống nhất đất nước chưa vẹn toàn, chỉ mấy năm sau, biên giới phía Bắc lại sinh chuyện. Mấy năm rập rình, hết nạn kiều, đến gây rối, mấy lần anh em tôi lại có dịp cùng nhau lên với bộ đội và đồng bào vùng biên giới. Khi đi dọc theo các đồn Biên phòng từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, khi theo bộ đội Thông tin đi suốt các Trạm từ Đông Triều - Quảng Ninh, trở lại Cao Bắc Lạng rồi Thái Hà Tuyên. Lại có dịp gặp lại bao nhiêu đồng đội thân quen từ trong chống Mỹ. Đất nước hòa bình, mà những người lính nào đã có mấy ngày bình yên. Không thể quên những đêm thức trắng, theo bộ đội trực chiến, ra sát các đường biên quan sát hoạt động của phía bên kia.
Cũng như bao nhà thơ xưa nay, thơ làm nên tên tuổi mà không nuôi nổi con người nhà thơ. Phạm Ngọc Cảnh cứ biền biệt theo hai cuộc kháng chiến. Chị Tỵ ở nhà nuôi con một mình. Khi mọi mặt trận im tiếng súng thì chị Tỵ bị ốm rồi nằm liệt gần 20 năm. Cũng chỉ đến lúc này Phạm Ngọc Cảnh mới có thời gian ở nhà. Một mình đàn ông lo việc cơ quan đến hồi khó khăn, nuôi hai con chưa trưởng thành, hàng xóm chỉ biết thương cảm mà không thể đỡ đần được gì nhiều. Hai mươi năm thương khó, chứng kiến hoàn cảnh đàn ông chăm vợ nuôi con, càng kính phục tính chịu thương, chịu khó, chỉn chu của một người lính từ hồi chống Pháp. Bao khó nhọc, đắng cay của đời riêng được nuốt lặn vào trong, để bạn bè luôn gặp một nhà thơ điềm đạm, hiền hòa, với nụ cười thân thiện thường trực.
Suốt đời, Phạm Ngọc Cảnh là một người lính văn nghệ, nghĩa là làm một công việc cụ thể, khi là một diễn viên trong đoàn văn công, khi là một biên tập viên thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và trước khi về hưu, còn được giao phụ trách Ban Trị sự của tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nghĩa là phụ trách mọi việc hành chính kinh tế, in ấn trong tòa soạn trăm thứ bà rằn để báo ra được đúng kỳ. Bấy nhiêu công việc hình như không làm vơi cạn năng lượng sống của một người lính đa tài.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong một lần về thăm quê Hà Tĩnh. |
Ngày người lính chống Pháp cuối cùng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội về hưu, hình như những bạn trẻ phụ trách rất ngập ngừng, đắn đo khi sắp trao quyết định nghỉ cho một người lính có bề dày năm tháng hoạt động như ông, thì Phạm Ngọc Cảnh chủ động gặp và nói một cách dứt khoát để ra về mà không có bất cứ một yêu cầu đặc biệt nào. Nhưng từ đó cũng bắt đầu một chặng đường nỗ lực mới để kiếm nguồn kinh phí nuôi một gia đình đang hồi tận cùng khó khăn, khi người vợ bệnh tình chuyển nặng hơn, các con chưa trưởng thành.
Phạm Ngọc Cảnh làm phim, viết kịch bản, lời bình cho nhiều đơn vị. Lịch lãm, tin cẩn, chắc chắn về chính trị, vốn tri thức đầy đặn, tài sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, tên tuổi ông đã làm nên những tập phim tài liệu, ký sự lịch sử có chất lượng. Ông trở thành một nhà làm phim có uy tín, được nhiều đơn vị nhờ cậy. Và những giải thưởng liên tục dành cho những bộ phim ấy là một sự đánh giá công minh cho tài năng và những nỗ lực cống hiến của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
Nhưng sức người rồi cũng có hạn. Người đàn ông nặng lòng với đời sinh năm Tuất (1934) gục xuống trên hành trình công việc sau mấy lần tai biến liên tục. Thật may, cuối đời có một người phụ nữ quá cảm động trước hoàn cảnh nhà thơ kiên cường chịu đựng, đã tình nguyện chung vai gánh vác gánh nặng gia đình với Phạm Ngọc Cảnh. Chia sẻ gánh đời với nhau cũng là thời gian Phạm Ngọc Cảnh bệnh nặng, người phụ nữ lặng lẽ chăm sóc cho ông, bên ông lúc bệnh tật hiểm nghèo. Mỗi lần Phạm Ngọc Cảnh trở bệnh, ông được đưa từ Thanh Hóa ra Bệnh viện 108 kiểm tra hay điều trị, khi đã thấy tạm yên ổn rồi, người phụ nữ ấy mới báo cho tôi biết. Mấy lần vào thăm ông, thấy sức khỏe ngày một yếu, nhưng không nghĩ ngày Phạm Ngọc Cảnh ra đi, tôi và ông không kịp nói với nhau một lời.
Xưa nay người ta hay so sánh những nhà văn, những trí thức như những cây cao, bóng cả. Nhưng nhớ đến Phạm Ngọc Cảnh, cũng như Thu Bồn với một đời hoạt động sôi nổi, với hàng ngàn bài thơ, hàng ngàn trang văn, hàng trăm bài báo các loại, rồi ngâm thơ, diễn kịch, cùng muôn vàn công việc khác khi cầm súng, khi cầm bút, khi võ chân tay, khi võ mồm của một người lính đa năng, đa tài, tôi cứ thấy mỗi người, tự họ đã như một cánh rừng nguyên sinh. Chẳng phải cây nào cũng quý, hoa nào cũng lạ, nhưng với ai chịu tìm, thì mỗi nghệ sĩ - chiến sĩ như thế đã mang tới cho văn học nước nhà một cánh rừng sum suê với sắc diện riêng khó lẫn, với những loại gỗ quý hiếm không phải thời nào cũng có. Tiếng gió cất lên từ những cánh rừng lạ đó đã làm nên bản giao hưởng thơ ca hùng tráng của đại ngàn Trường Sơn, mà hình như sau những Chính Hữu, Vũ Cao, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật… với sự ra đi của Phạm Ngọc Cảnh lần này, những cánh rừng như thế đã vĩnh viễn khép lại.
17/ 6 /201