Tôi khẳng định mình không “nổ”
Xuất ngoại trồng cao su, trồng mía rồi bắp, cọ dầu, một thời gian người ta lại bàn nhau chuyện ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố nuôi bò. Ông Đoàn Nguyên Đức bảo, cổ đông chất vấn, người ngoài nghi ngờ, lo lắng vì dự án quá lớn, trong khi HAGL chưa từng có kinh nghiệm.
"Tuy nhiên tôi khẳng định là mình không ‘nổ’. Chúng tôi có lợi thế mà ai cũng thấy. Đó là nguồn phụ phẩm của 44.500ha cao su tại Lào, Campuchia và Việt Nam, 10.000ha mía đường, 12.000ha dầu cọ, 4.000ha bắp. Trong 100.000 ha đất của HAGL, mới có 70.000 ha sản xuất, 30.000 ha còn lại để trồng cỏ, thuận tiện ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Ngoài ra, chúng tôi còn có 2.000 kỹ sư nông nghiệp, đủ lực để có thể phát triển đàn bò lên 300.000 con chứ không dừng lại ở 236.000 con như dự án này”, bầu Đức cho biết.
Theo bầu Đức, nhờ chưa biết chăn nuôi, HAGL sẽ thành công, vì mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. |
Dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt của HAGL với số vốn 6.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư và hoàn thành vào năm 2017. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Trong đó, bò sữa là 120.000 con, bò thịt 116.000 con.
Cũng theo vị này, thực tế nuôi bò sữa không phải ai cũng thành công, nhất là với những doanh nghiệp phải vay vốn, mua thức ăn thì mức độ rủi ro tới 70-80%. Tuy nhiên, “HAGL có lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp lớn, có khả năng không mua thức ăn nên dự án sẽ không có rủi ro. Với đầu vào rẻ nhờ tận dụng lợi thế sẵn có, tôi tin đầu ra cũng sẽ rất rẻ, có thể rẻ đến một nửa, một phần ba so với thị trường”, bầu Đức khẳng định.
Người đứng đầu tập đoàn này còn hào hứng khẳng định nuôi bò mang lại doanh thu cho HAGL rất lớn. Riêng phân bò giúp cho đơn vị tiết kiệm trên 300 tỷ mỗi năm. Và ngay năm 2015, dự án bò thịt sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn 30-50 triệu USD.
Thích thú của tôi là định hình giá
Chia sẻ về giá cả sản phẩm của mình, bầu Đức cho rằng, HAGL có lợi thế đầu vào nên chắc chắn đầu ra sẽ rất cạnh tranh. Ví dụ tính theo thời giá hiện tại, thịt bò hơi DN trong nước nhập 3,2 USD/kg, bò HAGL sẽ chỉ trên 1 USD/kg. Riêng với thịt và sữa bò, ông Đức khẳng định trong thời gian tới, HAGL sẽ đủ lực để giữ vai trò định giá, khi đó giá mặt hàng này sẽ được lặp lại.
Ông chủ HAGL chính thức lấn sân sang chăn nuôi với tuyên bố sẽ lập lại mặt bằng giá thịt, sữa bò cho thị trường trong nước. |
Từ 16/6 này, đàn bò thịt đầu tiên từ Thái Lan sẽ về trang trại nuôi của HAGL tại Gia Lai. Đây là đàn bò đã 17-18 tháng tuổi. Và theo tính toán, khoảng đầu năm 2015, thịt bò HAGL cung ứng qua Vissan sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam. Riêng bò sữa thì phức tạp hơn nên phải đến tháng 10, HAGL mới nhập đàn bò đầu tiên từ Úc về, dự kiến sản phẩm sữa sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015.
Bầu Đức cho rằng, đã có nơi bao tiêu rồi thì HAGL yên tâm nuôi bò, cung ứng bò hơi, sữa tươi chứ không tham gia chế biến thịt, sữa, dù đủ lực làm ra sản phẩm tốt và rẻ. “Trong năm 2015, HAGL cam kết cung ứng toàn bộ bò thịt cho Vissan. Nhưng sản lượng của chúng tôi rất lớn nên sẽ tiếp tục cung ứng cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu và hướng đến xuất khẩu”, ông chủ HAGL nói.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc công ty Kỹ nghệ xúc sản Vissan, hiện nhu cầu của thị trường Việt Nam mỗi ngày khoảng 3.000 con bò thịt, riêng TP.HCM cần 600 con. Vissan đang nhập bò từ Úc về giết mổ, cung cấp cho nhu cầu và thị hiếu thịt bò tươi sống của thị trường, với số lượng khoảng 50 con bò Úc mỗi ngày. Trong khi đàn bò của Việt Nam từ 7 triệu con trước đây nay giảm chỉ còn 5 triệu. Chất lượng giống bò vàng nội địa không thể cạnh tranh với bò Úc. Do đó, việc đầu tư vào chăn nuôi của HAGL là khôn ngoan và đi trước một bước.
“Đó là một đơn vị có tuổi đời trong chăn nuôi rất trẻ và mới, nhưng đó cũng là một đơn vị có tiềm năng đầu tư về vốn, kỹ thuật và cả một khát vọng của chương trình tạo sản phẩm cho mình bằng chính lợi thế của mình, bằng khoa học kỹ thuật được ứng dụng bởi những chuyên gia hàng đầu của ngành chăn nuôi. Chúng ta có quyền tự hào về sản phẩm bò Úc do chính người Việt nuôi ở Việt Nam mà không phải nhập khẩu”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan.