Từ trước đến nay, khái niệm in 3D vẫn còn xa lạ với người dùng, nhưng công nghệ này lại được các nhà sản xuất mong đợi. Nó giúp giảm giá thành cũng như thời gian chế tạo sản phẩm.
Với vật liệu titan, máy bay sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nguyên liệu trong mỗi chuyến bay. Ảnh: Boeing. |
Theo nguồn tin từ Reuters, Boeing sẽ bẳt đầu sử dụng các bộ phận có chất liệu titan được in 3D trong việc sản xuất mẫu máy bay mới nhất của hãng - 787 Dreamliner. Cách thức sản xuất và thiết kế linh kiện đã được cục Hàng không liên bang cấp phép.
Với việc áp dụng công nghệ mới từ nhà sản xuất Norsk Titanium, Boeing có thể tiết kiệm 3 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay xuất xưởng.
Thực tế, việc giảm chi phí rất quan trọng đối với hãng sản xuất máy bay đến từ Mỹ. Họ đã chịu lỗ đến 29 tỷ USD trong thời gian chế tạo và nghiên cứu model 787 Dreamliner. Việc chi phí sản xuất thấp hơn khiến Boeing có mức lợi nhuận cao, giúp hãng quay lại đà phát triển và có lãi.
Titan có giá thành đắt gấp 7 lần so với nhôm. Tuy nhiên, nó thường được sử dụng trong máy bay thương mại vì cứng nhưng nhẹ, giúp máy bay giảm lượng nhiên liệu tiêu hao. Theo thống kê năm 2015, các bộ phận được làm bằng titan chiếm 17 triệu USD trong tổng chi phí 265 triệu USD để sản xuất 787 Dreamliner.
In 3D sẽ giúp giảm chi phí sản xuất. Norsk đã phát triển công nghệ riêng để tạo ra các bộ phận bằng titan nhờ kỹ thuật Rapid Plasma Deposition hoặc RPD.
Hãng sản xuất máy bay đến từ Mỹ không xa lạ với những sản phẩm in 3D. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, linh kiện sử dụng công nghệ này được Cục hàng không liên bang cấp phép cho các chi tiết chịu lực.
Cuối năm nay, công ty hy vọng toàn bộ quá trình sản xuất của họ sẽ được phê duyệt thay vì từng phần nhỏ như hiện nay. “Điều này sẽ mở ra những cửa ngõ cho việc ứng dụng công nghệ in 3D vào các chi tiết sử dụng chất liệu titan trên máy bay”, ông Chip Yates, Phó chủ tịch của Norsk Titanium cho biết.