Liên quan vụ việc chính quyền chặt hạ 3.000 cây keo của người dân, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam, cho biết địa phương đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo huyện. Ngày 2/10, xã sẽ tổ chức họp với các hộ dân.
Ông Xuân nói theo quy định Luật Đất đai, việc người dân trồng cây tại đất quy hoạch là sai nhưng xã vẫn dự tính bồi thường cho cây trồng trên đất.
"Việc bồi thường dựa theo quyết định của UBND tỉnh với giá 4.000 đồng/cây keo. Tổng số 3.000 cây thì dự kiến số tiền là 12 triệu đồng", Chủ tịch xã Tam Xuân 2 nói.
Ông Doãn Bá Ba bức xúc khi chính quyền nhổ keo mà không thông báo. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo lãnh đạo địa phương, khu vực gò Núi Tre trước năm 2008 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý. Năm 2009, UBND tỉnh bàn giao 80 ha đất cho xã. 3 năm sau, khu vực này được huyện Núi Thành phê duyệt quy hoạch thành nghĩa địa gò Núi Tre có diện tích 5 ha. Từ nay đến cuối năm xã chỉ giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 m2.
Thừa nhận đã nhầm tên khi gửi thông báo cho các hộ dân trồng kèo nhưng ông Xuân cho rằng trước khi thực hiện việc nhổ và chặt 3.000 cây keo trên diện tích 3.000 m2, xã đã 3 lần thông báo cho người dân. Một lần vào tháng 3 và hai lần sau đó vào tháng 9.
"Nói chúng tôi không thông báo đến người dân là sai. Xã đã thông báo 3 lần. Tại gò Núi Tre có 7 hộ dân trồng keo, chúng tôi làm việc và có 3 hộ dân phối hợp, còn 4 hộ dân không đến họp", ông Xuân cho hay.
Tuy nhiên, ông Doãn Bá Ba và Nguyễn Văn Đại - hai người có số lượng keo bị nhổ nhiều nhất - khẳng định từ đầu năm đến nay, chính quyền không họp dân hay thông báo về việc thu hồi đất làm nghĩa địa. "Tôi chưa hề nhận bất cứ thông báo nào của UBND xã về việc thu hồi đất hay nhổ cây", ông Ba nói.
3.000 cây keo bị xã Tam Xuân 2 chặt nhổ sáng 24/9. Ảnh: Thanh Đức. |
Sáng 24/9, ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cùng tổ công tác khoảng 10 người đến khu vực gò Núi Tre để thực hiện việc nhổ hơn 3.000 cây keo do người dân trồng tại gò Núi Tre.
Do không nhận được thông báo trước đó nên người dân đã chặn tổ công tác. Lý giải về việc này, chính quyền xã Tam Xuân 2 nói địa phương đã gửi thông báo nhưng nhầm tên.
Bỏ ra hàng chục triệu để trồng keo, người dân yêu cầu xã phải đền bù thiệt hại và có câu trả lời thỏa đáng về việc giải phóng mặt bằng này.