20h ngày 17/3, lối vào nhà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn không ngớt dòng người đến viếng. Đó là những người hàng xóm, người dân Củ Chi và nhiều người ở xa lặn lội đến thắp nén hương vĩnh biệt vị Thủ tướng mà họ kính trọng. Trong dòng người đó, có những em nhỏ là học sinh của trường Mầm non Tân Thông Hội 2, nơi từng được ông Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng mô hình bán trú đầu tiên của huyện Củ Chi.
'Mong ông thong dong miền cực lạc'
Mầm non Tân Thông Hội 2 là trường đầu tiên ở Củ Chi được ông Sáu Khải giúp đỡ xây dựng mô hình bán trú. Sau 20 năm ngôi trường nhỏ bé này trở thành đơn vị Anh hùng lao động.
Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân Củ Chi, từ người già đến trẻ nhỏ
Bà Nguyễn Thị Bước
“Ông hay nói với chúng tôi trong chiến tranh Củ Chi là đất thép, nhân dân đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân Củ Chi, từ người già đến trẻ nhỏ. Chúng tôi thương tiếc và mong ông thong dong miền cực lạc”, bà Nguyễn Thị Bước, nguyên Hiệu trưởng Mẫu giáo Tân Thông Hội 2, chia sẻ.
Nước mắt rơi từng hàng dài, bà Đặng Thị Phương Thảo, nguyên giáo viên trường mẫu giáo này kể bác Khải mỗi lần về thăm quê đều ghé thăm.
"Bằng tình cảm thân thương, gần gũi, bác bế các bé, nhắc nhở các con dạy các cháu thật ngoan, ăn ngon, ngủ giỏi để mau lớn sau này là mầm non tương lai của đất nước. Chúng tôi rất ghi nhớ những khoảnh khắc này", bà Thảo không kìm được nước mắt.
Con trai nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xúc động trong lễ tang. Ảnh: Lê Quân. |
Được con cháu đưa tới thắp nén nhang tiễn biệt, bà Bùi Thị Ngọc Dung (sinh năm 1955) không nén được những giọt nước mắt. Bà là em họ của ông Sáu Khải. Biết con trai lớn của bà Dung bị câm bẩm sinh, mở cửa hàng cắt tóc đầu đường, ông Sáu Khải thường xuyên tới đây để ủng hộ.
“Anh ấy rất có lòng với những đứa hiếu học, có cơ hội nào là hỗ trợ ngay. Ngôi trường tiểu học gần đây cũng do anh Khải kêu gọi xây dựng để trẻ thôn này đi học cho gần”, bà Dung kể.
'Ổng sống thân tình, chan hoà'
Ông Nguyễn Văn Thành (84 tuổi, xã Tân Thông Hội) thường gặp ông Sáu Khải uống cà phê, chơi cờ mỗi sáng ở đình Tân Thông. "Nếu không biết trước, nhìn ổng chắc không ai nghĩ từng là Thủ tướng. Tại ổng sống thân tình, chan hoà với bà con", ông Thành trầm ngâm.
Vì ông Sáu Khải bệnh nặng, đã lâu hội cà phê không còn họp mặt thường xuyên. “Vắng bác Sáu là trống vắng dữ lắm. Bình thường có chuyện gì khúc mắc tôi cũng hỏi ý kiến ổng. Có hôm tôi kể chuyện nhớ thằng con trai đi làm xa, ổng nghe rồi kết luận: ‘Đứa nào có chí thú lập nghiệp, chăm chỉ làm ăn... thì phải động viên nó. Con cái ở xa nhà một mình vất vả, đừng làm rối lòng chúng. Chỉ sợ thanh niên mà chỉ muốn yên ổn trong vòng tay ba mẹ, không trưởng thành nổi’”, người hàng xóm nhớ lại.
Những người hàng xóm ở quê hương Tân Thông Hội đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người mà họ gọi trìu mến là ông Sáu Khải. Ảnh: Lê Quân. |
Cũng cùng hội uống cà phê với ông Sáu Khải mỗi sáng, ông Nguyễn Văn Khoá (76 tuổi, xã Tân Thông Hội) vẫn tới thăm hỏi hàng ngày.
“Tui kém bác Sáu vài tuổi, hai người quen nhau từ nhỏ. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, anh em mới có thời gian thân thiết. Bỗng dưng trước Tết bệnh ổng nặng lên, tôi đã lo lo...”, ông Khóa thở dài.
Vị Thủ tướng khiêm tốn, biết lắng nghe
Những thành viên Ban nghiên cứu đã cùng sát cánh bên Thủ tướng Phan Văn Khải trong suốt 9 năm tại nhiệm của ông như TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa có mặt từ sớm ở tang lễ để nói lời từ biệt.
Ông Khải khiêm tốn, biết cách lắng nghe, ông nghe nhiều hơn nói
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Với ông Trương Trọng Nghĩa, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có trí nhớ và khả năng thuyết trình tốt. “Nhưng ông Khải khiêm tốn, biết cách lắng nghe, ông nghe nhiều hơn nói. Đó là một đặc điểm rất quý”, ông Nghĩa nói.
“Chúng tôi trong Ban nghiên cứu, có khi nói lời thẳng thắn, đối với vị lãnh đạo cao cấp, nhiều khi khó nghe. Tuy nhiên, với các khuyết điểm trong bộ máy Nhà nước, chúng tôi trình bày rất thẳng thắn hoặc khuyến nghị các chính sách khác với chính sách đương thời. Những ý kiến tổng kết, tiếp thu sau đó cho thấy ông lắng nghe thực chất”, ông Trương Trọng Nghĩa nhớ lại.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Trương Khởi. |
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Phan Văn Khải cũng đối mặt với nhiều thách thức về việc cắt bỏ các thủ tục hành chính. Theo ông Nghĩa, khi kêu gọi, các bộ chần chừ, kêu hoài không giảm thủ tục được bao nhiêu. Tuy nhiên, chính ông Phan Văn Khải là người kiên quyết cắt giảm một cách dứt khoát.
“Thủ tướng tự mình quyết định, tự ông tập hợp, không chờ nữa. Nhờ đó, ông đã cắt giảm rất nhiều phiền hà và không cần thiết”, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.