Nhiều vua Ai Cập chết do chứng động kinh?
Cái chết trẻ của các vị Hoàng đế Ai Cập là chủ đề gây khá nhiều tranh cãi trong giới khảo cổ học ngày nay. Một giả thuyết mới nhất cho rằng, thân hình mềm mại, vóc dáng nhỏ nhắn đầy nữ tính có liên quan tới cái chết của các Pharaoh.
Kể từ khi phát hiện ra lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của vua Tutankhamun (trị vì vương triều thứ 18 Ai Cập cổ đại) vào năm 1922, nguyên nhân cái chết bí ẩn của vị pharaoh ở tuổi 18 thường xuyên trở thành chủ đề tại các cuộc tranh luận trong giới khoa học với rất nhiều giả thuyết được đưa ra như bị giết, do bệnh phong, bệnh lao, sốt rét, thiếu máu hay thậm chí là bị rắn cắn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ phẫu thuật Hutan Ashrafian ở Đại học Hoàng gia London, các giả thuyết này đều quên mất một dấu hiệu vô cùng quan trọng: Tutankhamun có vóc dáng mềm mại, nhỏ nhắn đầy nữ tính, giống hệt những vị vua trước.
Xác ướp được cho là vua Tutankhamun trong một lăng mộ khai quật vào năm 1922. |
Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc cho thấy cả Smenkhkare (một pharaoh ít được biết đến, có thể là chú hay anh trai của Tutankhamun) và Akhenaten (cha của vị vua trẻ) đều mang hình dáng cơ thể như vậy với phần ngực lớn bất thường và hông rộng. Ngay cả 2 pharaoh trị vì trước Akhenaten là Amenhotep III và Tuthmosis IV cũng không thoát khỏi tình trạng tương tự.
Đặc biệt, tất cả những vị vua đó đều chết trẻ và bí ẩn. “Các chuyên gia mới chỉ tập trung vào từng cá nhân riêng lẻ mà quên đi nét tương đồng trong tổng thế”, Ashrafian nói. Ngoài ra, ông cũng phát hiện thấy quy luật khá kỳ lạ khi mà người sau luôn chết trẻ hơn người trước, bằng chứng của một loại rối loạn về mặt di truyền.
Dựa vào những tài liệu lịch sử, Ashrafian nhận định nhiều khả năng gia đình hoàng gia này đã mắc phải căn bệnh động kinh thùy thái dương được truyền từ đời này sang đời khác. Theo đó, người bệnh sẽ thường xuyên gặp ảo giác vì những cơn co giật xuất hiện liên tục tại thùy thái dương trong não bộ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Chẩn đoán trên cũng là lời giải thích khá hợp lý cho hình dáng nữ tính của họ. Thùy thái dương kết nối với nhiều bộ phận ở não liên quan đến việc gia tăng lượng hormone, và như vậy, các cơn co giật động kinh làm thay đổi mức độ hormone sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển giới tính, góp phần giải thích lý do tại sao bộ ngực của các pharaoh lớn hơn bình thường.
“Giả thuyết này rất có sức thuyết phục”, nhà sử học Howard Markel tại Đại học Michigan ở Ann Arbor cho biết. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là phỏng đoán khi mà các cuộc thử nghiệm di truyền chưa được tiến hành.
Theo Đất Việt