Kể từ năm học mới 2021-2022, nhiều trường tiểu học, THCS ở Trung Quốc thực hiện chính sách "giảm kép". Cụ thể, giáo viên sẽ rút ngắn thời gian học, làm bài tập và học thêm cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 9. Nhiều phụ huynh ủng hộ, nhưng cũng nhiều người phản đối vì họ không thể nghỉ làm để đón con tan trường lúc 15h30 mỗi ngày. Để hỗ trợ phụ huynh và cho học sinh có thêm những trải nghiệm mới mẻ, một số trường đưa các hoạt động ngoại khóa vào chương trình dạy như đấu kiếm, đá bóng... |
Nhằm hưởng ứng phong trào này, trường Tiểu học Daoxiangcun ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, tổ chức nhiều khóa huấn luyện thể thao, quân sự cho học sinh. Trẻ được sắp xếp học ngay trong khuôn viên của trường. Thời gian học bắt đầu từ 15h30, sau khi chương trình học văn hóa chính khóa kết thúc. |
Các khóa huấn luyện của trường Tiểu học Daoxiangcun bao gồm: Quân sự, bóng bàn, đấu kiếm, bóng đá, thể dục nhịp điệu, nhảy dây. Với từng bộ môn, trẻ sẽ được trang bị đồng phục, dụng cụ cần thiết. Ví dụ, khi học đấu kiếm, các em được cung cấp quần áo bảo hộ đúng theo tiêu chuẩn thể thao. Do độ tuổi còn nhỏ, trẻ chỉ luyện những bài tập đơn giản, phù hợp sức khỏe. |
Thể dục nhịp điệu cũng là một phần của khóa huấn luyện. Phần lớn nữ sinh tham gia khóa học này. Các em được chia thành nhóm và luyện tập, biểu diễn theo hướng dẫn của giáo viên. |
Môn bóng đá thu hút nhiều học sinh nam. Một số bạn nữ cũng khá hào hứng với bộ môn này. Hình ảnh trên được Xinhua ghi lại ngày 23/9, trẻ được sắp xếp đứng thành vòng và học tâng bóng, làm quen các kỹ năng cơ bản của môn thể thao vua. |
Trước khi tập bóng đá, các em được hướng dẫn chạy bộ, giãn cơ, làm nóng người. |
Nhảy dây không còn là hoạt động xa lạ đối với nhiều học sinh Trung Quốc. Môn học này không đòi hỏi phải đầu tư quá nhiều cho trang phục, dụng cụ. Theo Sixth Tone, kể từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách "giảm kép", các gia đình thượng lưu nhắm đến các hoạt động ngoại khóa "cao cấp" như thư pháp, âm nhạc... Trái lại, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu sẽ chọn những môn học "nhẹ nhàng" hơn, thậm chí nhiều người chật vật, tìm cách xoay xở cho con được đi học đầy đủ, hiệu quả. |