Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh từ ngày 31/8 đến 6/9, thành phố ghi nhận 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết, một bệnh nhân tử vong tại quận Hoàn Kiếm. Con số này tiếp tục tăng so với tuần trước đó. Các ca mắc tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như Thường Tín (38), Nam Từ Liêm (35), Thanh Oai (13) hay Đan Phượng (12).
Các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Giải Phóng (Hà Nội). Ảnh: Quốc Toàn. |
Từ đầu năm đến nay, thành phố có 1.802 bệnh nhân sốt xuất huyết và 2 người tử vong. Đặc biệt, Trung tâm Các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cũng ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc trung tâm, cho biết: "Hiện tại, các bác sĩ điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Dự kiến, con số này có thể tăng lên trong những ngày tới".
Bệnh nhi nhập viện đa dạng về độ tuổi, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh. "Một trường hợp 6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. May mắn, trẻ sơ sinh thường không có biến chứng nặng như trẻ lớn", TS Lâm chia sẻ.
Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết thường bị nhầm với các bệnh khác. Do đó, chúng ta cần theo dõi các dấu hiệu của bệnh như đau bụng, xuất huyết dưới da, mất nước, nôn ói... Bệnh nhân cần được chăm sóc hợp lý như hạ sốt, ăn uống vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng.
Đặc biệt, nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như xuất huyết tiêu hóa, rối loạn ý thức, li bì, hôn mê..., người nhà cần đưa họ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Sở Y tế Hà Nội nhận định thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, các đơn vị y tế cần vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, đồng thời tăng cường truyền thông cho người dân về công tác phòng bệnh cũng như tới khám khi có dấu hiệu cảnh báo.