Lần đầu tiên trải nghiệm lặn biển và ngắm san hô ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) năm 2015, chị Phương Lan bị ấn tượng, thu hút bởi khung cảnh đại dương mênh mông, rực rỡ sắc màu. Vì thế, ngay khi biết đảo Phú Quý (Bình Thuận) có tổ chức hoạt động này, chị mua tour ngay.
Với số tiền 400.000 đồng, nữ du khách vừa được tham gia hoạt động chèo SUP, vừa lặn ngắm san hô. Tuy nhiên, chị thừa nhận mình không được hướng dẫn viên hỗ trợ các thông tin cần thiết về tầm quan trọng của san hô, cách tránh tiếp xúc, gây hại đến sinh vật này.
"Qua sách báo, tôi biết san hô là sinh vật sống và dễ bị tác động bởi hoạt động của con người. Vì thế, tôi chủ động tránh xa, chỉ nhìn và ghi lại hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, tôi lo lắng những khách không biết thông tin này dẫn đến thoải mái sờ, đạp, thậm chí bẻ san hô khiến hệ sinh thái dưới nước bị ảnh hưởng", chị Lan nói.
Lặn ngắm san hô là hoạt động yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: Ruta-patagonia. |
Chỉ cần chạm cũng đủ làm san hô tổn thương
Trao đổi với Zing, Chiến Lê, nhà sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA, cho biết không chỉ du khách mà nhiều người khai thác tour lặn biển, ngắm san hô cũng chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của sinh vật biển này.
"Những tour lặn ngắm san hô rất phổ biến tại các điểm du lịch biển ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên lại không nghiên cứu, tìm hiểu về việc bảo vệ san hô. Họ coi nhẹ nên đôi lúc không nhắc nhở du khách việc tránh làm tổn hại đến chúng".
Theo ông Chiến, dù là loại san hô nào, cứng hay mềm, thô ráp hay mỏng manh cũng đều cần phải bảo vệ, vì chúng là những sinh vật dễ tổn thương. Sự tổn hại có thể không biểu hiện rõ ràng ngay nhưng sẽ ảnh hưởng về lâu dài tới sự phát triển của cả rạn san hô lớn.
Du khách không nên chạm vào san hô. Ảnh: DIVEIN. |
Khi tác động đến bề mặt san hô như sờ, chạm, ngồi lên, dù là nhẹ nhàng, sinh vật biển này có thể bị stress. Tại vị trí người ngồi, sờ lên san hô, các polyp san hô có nguy cơ chết, tạo thành lớp thức ăn cho nhiều sinh vật biển khác và tảo xâm lấn, làm chậm quá trình phát triển thành rạn san hô. Ngoài ra, kem chống nắng, hóa chất, mỏ neo tàu thuyền cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh vật biển.
Ở nhiều nước trên thế giới, hành động chạm, giẫm đạp rạn san hô bị cấm. Nhiều loài thậm chí mang độc tính chết người.
Cần có kế hoạch khai thác du lịch
Rạn san hô không chỉ đem lại lợi ích về mặt du lịch mà còn là chìa khóa mấu chốt của đa dạng sinh học. Chỉ bao phủ tỷ lệ rất nhỏ dưới đáy đại dương thế giới nhưng nhiều sinh vật biển được rạn san hô bảo vệ và nuôi dưỡng trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các rạn san hô cũng bảo vệ bờ biển khỏi tác động của thiên tai và làm tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan dưới đại dương.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, du lịch lặn ngắm san hô tại Việt Nam đang được khai thác khá bừa bãi, theo kiểu ăn xổi, chưa có kế hoạch và chế tài.
Du khách tham gia tour lặn ngắm san hô ở Phú Quốc. Ảnh: Phạm Quang Hậu. |
"Nhiều người dựa vào san hô để khai thác du lịch mà không có kiến thức. Họ không hiểu được bảo vệ rạn san hô chính là bảo vệ cần câu cơm lớn nhất. Khai thác bừa bãi, thiếu ý thức rồi lấy gì làm du lịch?", ông đặt câu hỏi
Ông Chiến ví khu vực biển ở Nha Trang (Khánh Hòa) như thiên đường với rạn san hô đẹp, đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam. Vì vậy, thông tin hàng nghìn m2 san hô ở quanh đảo Hòn Mun - vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang bị "tẩy trắng", hệ sinh thái gần như biến mất rất đáng báo động.
Nếu không có biện pháp bảo tồn, quản lý và chế tài, có thể trong tương lai Phú Quốc, Phú Quý hay các vùng biển khác tại Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nhà sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA dẫn chứng việc khai thác du lịch biển ở Philippines. Người cung cấp dịch vụ lặn phải qua lớp huấn luyện, nâng cao nhận thức để đồng thời bảo vệ hệ sinh thái. Họ chỉ khai thác ở những chỗ được cho phép.
"Ví dụ có 2 đơn vị dẫn tour lặn ngắm san hô ở cùng một khu vực. Một đơn vị cung cấp bằng chứng cho thấy khách bên còn lại giẫm đạp lên san hô thì nhiều khả năng họ bị tước chứng chỉ hành nghề, thay đơn vị cung cấp dịch vụ khác ngay".
Từ góc độ người làm tour, ông Phạm Quang Hậu, Giám đốc điều hành Rooty Trip Phú Quốc, cho rằng việc trang bị kiến thức cho du khách rất quan trọng chứ không chỉ để làm màu hay đối phó với cơ quan kiểm tra.
Bên cạnh đảm bảo thiết bị, tập dượt kỹ thuật trước khi xuống nước, người cung cấp dịch vụ phải trang bị kiến thức cần thiết, quan trọng như không dùng kem chống nắng, không giẫm đạp san hô cho khách.
"Trước mỗi buổi lặn, hướng dẫn viên đều nhấn mạnh việc du khách không nên đạp lên san hô. Một phần vì dễ bị thương chân, một phần vì sinh vật này dễ bị tổn hại do tác động con người", ông Hậu nói.