Trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng tại TP HCM sáng 24/12, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết, hiện 4 lĩnh vực tham nhũng nhạy cảm nhất hiện nay là quản lý đất đai; tài nguyên khoáng sản; đầu tư công, sử dụng ngân sách Nhà nước và công tác cán bộ.
Trong kế hoạch thanh tra năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng tập trung những lĩnh vực nhạy cảm này nhằm phát hiện chấn chỉnh phòng ngừa, xử lý các hành vi tiêu cực.
Theo ông Tranh, biểu hiện của tham nhũng là hành vi lợi ích nhóm trong các hoạt động quản lý Nhà nước. Qua một số vụ án cho thấy các thành phần tham nhũng liên kết chặt chẽ với nhau. Có khi một cơ quan, tổ chức hay nhiều cơ quan tổ chức khác kết lại thành khối để tạo ra lợi ích nhóm để tham nhũng.
Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định, biểu hiện này rõ nhất là trong hoạt động ngân hàng. Ông lấy ví dụ điển hình như vụ án của ngân hàng NN-PTNT chi nhánh 2 và chi nhánh Nam Hà Nội đang xét xử. Đây là những vụ án thể hiện lợi ích nhóm rõ nhất mà trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 2015 cũng nêu.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời báo chí. Ảnh: Khánh Trung. |
Đánh giá về việc kê khai tài sản thu nhập của các lãnh đạo bộ ngành, theo ông Tranh, việc này mang lại hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản là có nhưng không nhiều, hàng năm chỉ xử lý được vài người.
"Năm 2015, 5 người với hành vi kê khai tài sản bất minh được xử lý. Năm tới việc kê khai tài sản cần phải rõ ràng hơn, có giải pháp mạnh mẽ, chế tài đầy đủ hơn thì mới khắc phục được tình trạng này", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Ông Tranh cũng cho biết, trong một số cơ quan thực thi công vụ như thanh tra, công an, VKS cũng có tội phạm tham nhũng nhưng mức độ chưa nhiều.
Riêng TP HCM, Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá còn hạn chế về khâu triển khai một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Chính quyền TP cần phải tập trung cao hơn, nhất là cần có các giải pháp mang chất đột phá.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cũng thừa nhận, tham nhũng đang có diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Công tác điều tra truy tố xét xử, thi hành án giám định tư pháp còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Trong các vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm. Các thành phần này cấu kết thành một nhóm người từ việc xây dựng chính sách để làm lợi cho một số người có chức có quyền. Công tác thông tin về phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa đầy đủ, toàn diện nên xã hội chưa thấy được hết ý nghĩa, kết quả tích cực của phòng chống tham nhũng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các ban ngành cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khí thế mới và chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Riêng về TP HCM, bên cạnh những mặt đạt được, Phó thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền TP cần thẳng thắn nhìn nhận là chưa ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp trong các lĩnh vực khác nhau.
“Phải năng động, sáng tạo, quyết tâm với những giải pháp quan trọng để thực hiện 7 đột phá của TP trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, phải chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của TP”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Công an TP HCM, từ năm 2006 - 2015, ngành đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng với 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600 tỷ đồng và 136.000 USD; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 40 tỷ đồng. Đến nay quá trình khởi tố điều tra, kết luận không có trường hợp nào bị oan sai phải bồi thường thiệt hại.
VKSND TP (2 cấp) đã thụ lý 151 vụ, bắt 396 bị can. Còn TAND TP thụ lý 199 vụ với 636 bị cáo. Điều này cho thấy số lượng bị cáo phạm tội tham nhũng ngày càng đông, thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, móc nối với nhau, quy mô ngày càng rộng và phức tạp. Trong các loại tội phạm về tham nhũng 10 năm qua, số vụ và bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản chiếm cao nhất (118/199 vụ, chiếm 59,30%).