Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, cả Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đều thực hiện lệnh cấm biển từ đêm 17/7 hoặc sáng 18/7. Chủ tịch các huyện thị xã, thành phố trực bão 24/24 giờ.
Thanh Hóa: Ngư dân kéo tàu thuyền lên phố tránh bão
Theo ghi nhận, đến đầu giờ chiều 18/7, thời tiết Thanh Hóa mây mù xám xịt, mưa lác đác vài nơi. Sáng nay ngư dân tại TP Sầm Sơn đã dùng sức người và máy kéo hàng trăm bè, mảng (ghe thuyền đánh bắt gần bờ) lên khu vực đường Hồ Xuân Hương.
“Chúng tôi di chuyển bè mảng lên đây để tránh sóng dữ đánh vỡ, hư hại”, một ngư dân cho hay.
Ngư dân TP Sầm Sơn kéo hàng trăm thuyền, bè lên đường phố tránh sóng đánh. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện 100% phương tiện tàu thuyền của tỉnh (7.410 phương tiện với 27.589 lao động) đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại bãi biển Sầm Sơn, sóng biển chưa lớn nhưng nước đục. Nhà chức trách địa phương đã khuyến cáo du khách không xuống tắm biển.
Tuy nhiên, trên bãi cát vẫn có một số nhóm du khách tập trung chơi và tắm biển. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
100% tàu thuyền của Nghệ An tránh trú nơi an toàn
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, TP Vinh và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa mấy ngày vừa qua.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước cơn bão số 3, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 5h sáng 18/7. Tính đến sáng nay, 100% tàu thuyền của Nghệ An đã nhận được tin bão, tàu thuyền đã vào tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tàu thuyền ngư dân Cửa Lò, Cửa Hội tránh bão số 3. Ảnh: Phạm Hoà. |
Toàn tỉnh có gần 4.000 tàu thuyền với gần 19.000 lao động đánh bắt cá đang hoạt động trên biển. Các tàu thuyền đang xem vị trí và hướng đi của bão để tìm nơi trú ẩn, tránh trú an toàn.
Cũng theo báo cáo, toàn tỉnh có gần 600 hồ đập, do nhiều ngày qua có mưa lớn nên một số nơi đã đầy nước, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã thành phố đi kiểm tra, sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị, khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, quyết định việc sơ tán dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ ngập sâu; các khu nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... theo các kịch bản được duyệt.
Theo thông báo, Thủy điện Khe Bố đóng tại huyện Tương Dương thông báo xả lũ vào rạng sáng nay (18/7). Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Mạnh, Phó giám đốc nhà máy, cho biết do lượng mưa giảm, cao trình chưa đến mức phải xả lũ. “Chúng tôi thông báo để cho người dân chuẩn bị, đề phòng thiệt hại có thể xảy ra khi thủy điện xả lũ”, ông Mạnh nói.
Khoảng 400 hộ dân Hà Tĩnh bị cô lập
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, cho biết hiện có trên 850 thuyền nội tỉnh và ngoại tỉnh đã vào tránh trú nơi an toàn.
Theo ông Sơn, công tác ứng phó với cơn bão số 3 đã được chuẩn bị chu đáo, hầu hết tàu cá của người dân Hà Tĩnh và tàu cá ngoại tỉnh đã được đưa vào âu trú tránh bão và tổ chức chằng néo cẩn thận, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh đã bị ngập. Ảnh: Phạm Trường. |
Đến trưa 18/7, cảng cửa Sót đã đón hơn 50 tàu cá ngoại tỉnh và 300 tàu cá nội tỉnh. Tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), trên 300 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn; Xuân Hội (Nghi Xuân) có hơn 200 tàu thuyền vào tránh trú.
Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua làm toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 5.237 ha lúa, 2.344 ha rau màu các loại bị ngập lụt.
Riêng huyện miền núi Hương Sơn do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn kéo theo một lượng rác thải khổng lồ khiến một số điểm trên sông tắc dòng. Theo báo cáo đã có 850 ha đậu, gần 100 ha ngô bị ngập và có nguy cơ mất trắng, một số diện tích lúa hè thu bị ngập cục bộ.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sáng cùng ngày vẫn bị cô lập, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập trong nước. Ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cho biết so với ngày hôm qua (17/7) nước đã rút bớt nhưng hiện tại nhiều đoạn đường vào các xã của huyện Đức Thọ vẫn ngập sâu.
Khoảng 400 hộ dân bị cô lập, 2.600 diện tích lúa hoa màu; 200 ha nuôi trồng thuỷ sản đang chìm trong biển nước. Địa phương đang tích cực phòng chống cơn bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền.
"Chúng tôi đang theo dõi cơn bão và lên phương án di dời những hộ dân ở vùng nguy hiểm đến vị trí an toàn", ông Trung nói.
400 hộ dân của xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh bị cô lập. Ảnh: Phạm Trường. |
Nam Định: Nước chưa kịp rút thì bão ập tới
Tại Nam Định, lãnh đạo các huyện ven biển cho biết đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, làm tốt công tác ứng phó với bão số 3. Tuy nhiên điều người dân lo lắng nhất lúc này là ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Mưa lớn trong hai ngày qua khiến nhiều diện tích lúa của tỉnh Nam Định ngập. Huyện Giao Thủy hiện có 3.500 ha lúa bị ngập, con số này ở huyện Nghĩa Hưng là 4.000 ha. Lúa bị ngập hầu hết là lúa mùa mới cấy.
“Nước chưa kịp rút thì bão số 3 lại ập tới. Sắp tới hoàn lưu bão có thể tiếp tục gây mưa lớn khiến diện tích lúa ngập không thể cứu được”, lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng chia sẻ.
Sáng 18/7, nước lũ sông Ninh Cơ tiếp tục dâng cao khiến hệ thống phà, cầu phao của huyện Nghĩa Hưng phải ngừng hoạt động. Còn tại huyện Giao Thủy, bờ biển trong sáng 18/7 đã xuất hiện sóng lớn cao hàng mét.
Mưa lớn kéo dài diện rộng
Theo bản tin phát lúc 14h30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tâm bão ngay trên vịnh Bắc Bộ và cách đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình khoảng 240 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 11.
Chiều và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, 25-30 km/h. Trong tối và đêm 18/7, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hướng di chuyển của bão số 3 theo bải tin lúc 14h30 ngày 18/7. Ảnh: NCHMF. |
Ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5 m. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7 m; sóng biển cao 2-4 m.
Từ chiều tối nay, đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Riêng nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng phổ biến 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm).
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ ngày 18/7 đến 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng - Thái Bình 2-4 m; sông Hoàng Long 1-2 m; các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình 3-5 m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3.