Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều thách thức chờ đợi Tổng thống Trump trong năm 2018

Tổng thống Trump bước sang năm 2018 với nhiều mối bận tâm trong các vấn đề quốc nội cũng như thách thức an ninh từ các điểm nóng như Triều Tiên hay Trung Đông.

Quả bom ngoại giao phát nổ tại Jerusalem và chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách thuế tại quốc hội Mỹ đã khép lại năm đầu tiên đầy biến động trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. 

Giới chuyên gia nhận định năm 2018 sẽ tiếp tục là năm đầy sóng gió với những thách thức cả về đối nội và đối ngoại đang chờ đợi vị tỷ phú 71 tuổi người Mỹ, và thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những bất ngờ đến từ Nhà Trắng.

Đối nội rối bời

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 đến gần trong bối cảnh niềm tin của cử tri Mỹ dành cho Nhà Trắng nói riêng và đảng Cộng hòa nói chung đang suy giảm nghiêm trọng.

Kết quả thăm dò dư luận mới đây của ABC News chỉ ra đảng Dân chủ đang dẫn trước đảng Cộng hòa 11% về tỉ lệ ủng hộ. Trong khi đó, mức độ tín nhiệm của cử tri Mỹ dành cho Tổng thống Trump hiện chỉ còn khoảng 30% và vẫn đang tuột dốc theo từng tháng.

Thach thuc cua Trump anh 1
Những vấn đề đối nội vẫn làm Tổng thống Trump rối bời sau gần 1 năm cầm quyền. Ảnh: Business Insider.

Chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu bầu thượng nghị sĩ tại bang Alabama là bước thụt lùi đáng hổ thẹn dành cho đảng Cộng hòa và chính quyền của Tổng thống Trump. Diễn biến này gióng lên hồi chuông cảnh báo sự suy giảm lòng tin của cử tri với chính quyền Cộng hòa bởi đã 25 năm nay đảng Dân chủ chưa từng chiến thắng tại Alabama.

Cuộc bỏ phiếu tại Alabama cũng cho thấy sự rạn nứt giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa. Theo CNN, Ủy ban Thượng viện Quốc gia đảng Cộng hòa đã từ chối hỗ trợ Roy Moore, ứng viên được Tổng thống Trump ủng hộ.

"Có quá nhiều phe phái bên trong cũng như bên ngoài Nhà Trắng và quốc hội, họ chỉ hành động dựa trên lợi ích của bản thân", một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng trả lời CNN.

Khủng hoảng Triều Tiên

Cuộc khủng hoảng tại Đông Bắc Á chi phối một phần đáng kể sự quan tâm của Washington trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Tới thời điểm hiện tại, cả Washington và Bình Nhưỡng đều chưa cho thấy ý định xuống thang nhượng bộ.

Hồi đầu tháng 12, Nhà Trắng khẳng định sẽ không đàm phán với Triều Tiên nếu nước này không chấm dứt "những hành động hăm dọa". Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc rằng thời điểm hiện tại "còn quá sớm" để tiến hành đàm phán với Mỹ.

Khả năng Mỹ có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân được đánh giá là không khả thi bởi quốc gia Đông Bắc Á coi vũ khí hạt nhân là công cụ duy nhất đảm bảo năng lực răn đe và bảo vệ sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ "giải quyết dứt điểm" các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù vậy, chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ có biện pháp gì mới để gây sức ép có hiệu quả lên Bình Nhưỡng ngoài các nỗ lực cô lập về ngoại giao, diễn tập quân sự, kêu gọi cấm vận quốc tế cùng những màn đấu khẩu chưa có hồi kết.

Giới chuyên gia nhận định năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm nóng bỏng với những màn răn đe và công kích lẫn nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu đầu năm sáng 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định lực lượng hạt nhân của nước này đã hoàn thiện và nút khai hỏa vũ khí hạt nhân "hiện nằm trên bàn làm việc" của ông.

"Tình hình sẽ chuyển biến tồi tệ hơn trong năm 2018", Harry Kazianis, giám đốc chương trình nghiên cứu quốc phòng từ Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, nhận định.

Màn đấu khẩu chưa có hồi kết giữa Trump và Kim Jong Un Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trầm trọng thêm sau những màn công kích, hăm dọa qua lại giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhức nhối Trung Đông

Những tháng cuối của năm 2017 đánh dấu sự suy tàn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS khi những thành trì cuối cùng của lực lượng này lần lượt được giải phóng tại cả Iraq và Syria.

Mặc dù vậy, mối đe dọa đến từ IS vẫn hiện hữu. Dẫu bị đánh bại trên quy mô nhà nước, IS vẫn có nhiều tay súng hiện lẩn khuất trong các sa mạc tại Iraq, Syria và Afghanistan, sẵn sàng gây ra các vụ tấn công liều chết. Nguy hiểm hơn, IS thực hiện nhiều vụ tấn công tại chính các nước phương Tây dưới những hình thức mới như lao xe, đâm dao chứ không đơn thuần là đánh bom như trong quá khứ.

"Mang lại ổn định cho Syria và Iraq khó khăn hơn nhiều việc đánh bại IS trên chiến trường. An ninh chỉ có thể được thiết lập nếu phương Tây loại bỏ được tư tưởng thánh chiến của IS", Column Strack, nhà phân tích từ Viện Tư vấn chính sách IHS Markit, London, nhận định.

Trong khi đó, cuộc chiến tại Afghanistan, đến nay đã kéo dài sang năm thứ 17, hiện vẫn ở trong tình thế mà các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Mỹ miêu tả là "hết sức giằng co". Tháng 9 vừa qua, Washington đã phải bổ sung 3.000 binh sĩ tới Afghanistan hỗ trợ lực lượng an ninh bản địa đối phó với hoạt động của Taliban và IS.

Quan hệ với Trung Quốc và Nga

Bất chấp sự thân tình hiếm có và màn tiếp đón cực kỳ trọng thị mà Chủ tịch Tập Cận Bình dành cho Tổng thống Trump trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 11, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh được nhận định sẽ sớm trở nên căng thẳng trong năm 2018.

Một trong các ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Trump là thiết lập mối quan hệ thương mại quốc tế công bằng, lĩnh vực hiện Trung Quốc hưởng lợi hàng trăm tỷ USD mỗi năm nhờ thặng dư thương mại với Mỹ. Những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng thương mại Trung - Mỹ hiện nay của Tổng thống Trump sẽ khó có thể làm hài lòng Bắc Kinh.

Thach thuc cua Trump anh 2
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành hồi tháng 11. Ảnh: SCMP.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng sẽ phải tìm cách thúc giục Bắc Kinh gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa đối với Triều Tiên. Đây là động thái không được hưởng ứng từ Bắc Kinh bởi Trung Quốc lo ngại kịch bản sụp đổ của chính quyền Bình Nhưỡng sẽ gây ra thảm họa nhân đạo khi hàng triệu người Triều Tiên đổ về biên giới Trung - Triều. Quan trọng hơn, điều này có khả năng khiến Trung Quốc mất đi một vùng đệm an ninh trên bộ với Mỹ và các đồng minh.

Quan hệ với Nga cũng sẽ là một bài toán khó giải quyết với Nhà Trắng. Bất chấp mong muốn từ lâu của Tổng thống Trump nhằm cải thiện quan hệ với Điện Kremlin, Washington dường như sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Nga trong bối cảnh sức ép từ cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 ngày càng tăng.

"Chính sách với Nga sẽ được định hình trong năm tới và chính sách đó sẽ tương đối mang tính đối đầu", Matt Rojansky, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, Mỹ, nhận định.

Mặc dù vậy, quan hệ giữa Moscow và Washington sẽ khó có khả năng xấu đi trầm trọng bởi về mặt chiến lược, cả hai bên đều cần đến nhau để giải quyết một loạt các vấn đề quốc tế có liên quan tới lợi ích an ninh của cả Mỹ và Nga.

"Mỹ cần sự ủng hộ của Nga để thông qua các nghị quyết về Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Việc ổn định tình hình tại Trung Đông cũng cần sự phối hợp của Nga", nhà phân tích Column Strack nhận định.

Kim Jong Un: Nút hạt nhân đã trên bàn làm việc

Bình Nhưỡng trong năm 2018 sẽ theo đuổi sản xuất hàng loạt và triển khai các đầu đạn hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo.

Triều Tiên, Trump và những tâm điểm của thế giới năm 2018

TT Trump có bị luận tội không, khủng hoảng Triều Tiên liệu có bùng phát thành xung đột, châu Âu và Trung Đông đối phó các thách thức ra sao... nhiều câu hỏi đang chờ lời giải đáp.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm