Ngày 5/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mở một cuộc điều tra đối với nền nảng làm việc trực tuyến Boss Zhipin, trong bối cảnh công ty mẹ của ứng dụng này vừa niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi CAC yêu cầu các cửa hàng ứng dụng trong nước gỡ bỏ dịch vụ gọi xe Didi, với nhiều cáo buộc liên quan đến thu thập và sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân. Nền tảng Didi cũng vừa có một đợt IPO lớn trên sàn chứng khoán NYSE của Mỹ chỉ cách đây vài ngày.
Nền tảng gọi xe trực tuyến Didi đã có một phiên IPO đi vào lịch sử chứng khoán Mỹ. Ảnh: CNBC. |
“Bạn không thể có một nền kinh tế kỹ thuật số nếu không có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Hơn hết, kỹ thuật số sẽ thúc đẩy một nền kinh tế đang có dấu hiệu phát triển chậm lại như Trung Quốc”, đối tác của công ty tư vấn Trivium China, Kendra Schaefer cho biết.
Theo CNBC, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đang chuyển hướng điều tra sang dữ liệu cá nhân vì tầm quan trọng của nó đối với ngành, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vài tháng trở lại, Bắc Kinh đã thẳng tay với các gã khổng lồ công nghệ trong nước, từ việc hủy niêm yết 34,5 tỷ USD của Ant Group cho đến khoản phạt chống độc quyền 2,8 tỷ USD đối với Alibaba. Trọng tâm chính được cho là các quy định về chống độc quyền cũng như hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
Chính phủ Trung Quốc đang thông qua một dự luật mới có tên “Luật bảo vệ thông tin cá nhân”, sau khi Luật Bảo mật dữ liệu vừa được thông qua trong tháng 6. Nếu dự luật mới này được phê chuẩn, nó sẽ cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu cá nhân của họ.
“Chúng tôi mong đợi sẽ được chứng kiến nhiều vụ điều tra hơn nhằm vào dữ liệu người dùng ngay sau khi hai luật đó được thông qua. Đây chắc chắn là một yếu tố mà các quy định hướng đến”, Kendra Schaefer nói thêm.
Trong tháng 4, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) đã triệu tập 34 công ty bao gồm Tencent và ByteDance nhằm yêu cầu họ tiến hành tự kiểm tra để tuân thủ các quy tắc chống độc quyền.
“Nó bắt đầu từ tháng 4 và chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hơn 100 mục, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định trong nhiều khía cạnh như chống độc quyền, dữ liệu cá nhân, quảng cáo và rất nhiều thứ khác nữa”, một luật sư làm việc cho các công ty công nghệ Trung Quốc trả lời với CNBC.
Trong một thập kỷ trở lại đây, những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã phát triển thành những tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới và hầu như không bị kiểm soát bởi các quy định của chính phủ. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm bị thay đổi khi chính quyền mạnh tay trừng trị các công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật.