Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều sếp dùng rượu bia để giữ chân nhân viên tại Mỹ

Các nhà quản lý không chỉ muốn nhân viên trở lại văn phòng. Họ còn muốn mọi người gắn kết với nhau hơn và tin rằng rượu có thể là cầu nối.

Những ngày qua, văn phòng của Jude Maboné (Washington D.C., Mỹ) bày sẵn rượu và mọi người đều có thể uống vài ly gần như mọi lúc.

Chuyên viên tiếp thị 26 tuổi này cho biết ngày làm việc của mình thường kết thúc lúc 18h, nhưng vào mỗi thứ 3, hầu hết nhân viên đều tắt máy vào 16h30 để cùng nhau uống rượu.

Thậm chí, vào thứ 5, các sếp của Maboné còn bắt đầu múc kem và pha rượu từ khoảng 14h30. Mỗi ly có nồng độ cồn tương đương một lon bia.

uong ruou o van phong anh 1

Việc uống rượu bia trở nên quen thuộc tại các văn phòng tại Mỹ sau đại dịch. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels.

Theo Wall Street Journals, Maboné và hơn 20 đồng nghiệp của mình đã trở lại công ty khoảng một tháng và họ nhận thấy rượu trở thành trung tâm của các cuộc giải trí văn phòng.

Tất nhiên, không phải tất cả đều có thể uống rượu. Nhưng công ty vẫn tin rằng đồ uống có cồn là thứ giúp mọi người trở nên thân thiết, gắn kết hơn.

"Thật hài hước khi nhà quản lý cố gắng giữ chân nhân viên bằng cách chuốc say họ", cô nói.

Say để kết nối

Hậu Covid-19, các công ty tại Mỹ đều muốn nhân viên của mình đi làm trở lại với tinh thần vui vẻ và hào hứng nhất. Cấp quản lý tin rằng phải cung cấp cho nhân sự những gì họ muốn, hoặc ít nhất là những gì mình nghĩ là họ muốn.

Cho phép mặc áo hoodie, mang theo thú cưng hoặc lắp đặt thêm sofa, phòng ngủ…, nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực để khiến nhân viên coi công sở như "ngôi nhà thứ 2".

Đáng chú ý, bố trí các quầy bar, phục vụ rượu miễn phí là một giải pháp được rất nhiều công ty thực hiện.

Các kiến ​​trúc sư nội thất tại San Francisco nhấn mạnh hầu hết khách hàng hiện tại của họ đều yêu cầu xây dựng hoặc cải tạo quầy bar trong văn phòng.

Neil Schneider, quản lý một đơn vị kiến trúc, cho biết các công ty dù thuộc lĩnh vực hay địa điểm nào đều mong muốn sử dụng quầy bar như một công cụ để thu hút nhân viên và tăng cường văn hóa nội bộ.

"Các giám đốc thường là người đứng ra tổ chức hoạt động uống rượu tại văn phòng. Nhiều nhân sự mới coi đây là thời điểm thú vị để gặp mặt đồng nghiệp, thưởng thức các loại bia yêu thích", anh nói.

Thậm chí, nếu không có quầy bar, các công ty cũng sẵn sàng thúc đẩy sự giao lưu, gặp mặt bằng các hoạt động uống cà phê hoặc rượu vang ngay tại bàn làm việc, theo Wall Street Journals.

uong ruou o van phong anh 2

Uống bia rượu tại nơi làm việc có thể làm nảy sinh hành vi bạo lực hoặc lạm dụng. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels.

Mức tiêu thụ rượu tại Mỹ gia tăng trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch. Mọi người tìm đến đồ uống có cồn với hy vọng tìm được sự hưng phấn, giải tỏa tâm lý do đã quá áp lực với dịch bệnh cùng sự suy thoái kinh tế.

Mike Cavanagh, giám đốc một công ty công nghệ, truyền thông ở Burbank, California, cho biết: "Tôi tin rằng 70% văn phòng đều uống rượu vào cuối giờ làm, đặc biệt trong bối cảnh hậu dịch".

Còn theo Christopher Minakowski, một nhân viên tại Maryland, việc uống rượu trong giờ hành chính giúp ông làm việc hiệu quả hơn và có cảm giác mới lạ.

"Vào những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, uống rượu là điều bình thường tại các văn phòng. Tôi đã rất kinh ngạc về điều này và giờ đây chính tôi cũng làm như vậy", ông Minakowski nói, đồng thời cho biết thêm mình uống ít hơn rất nhiều so với thế hệ trước.

Mặt trái

Trong nhiều năm qua, rượu bia, đồ uống có cồn "biến mất" trong các văn phòng tại Mỹ hoặc chỉ xuất hiện ở một số công ty công nghệ khởi nghiệp.

Phong trào #MeToo nổi lên càng nhấn mạnh rượu bia có thể tạo ra môi trường làm việc độc hại với những hành vi bạo lực, lạm dụng sau khi say xỉn, phấn khích.

Rượu bia cũng có thể làm mờ ranh giới mối quan hệ nghề nghiệp, khiến rất nhiều người cảm thấy không thoải mái, muốn giữ khoảng cách với người khác.

Đặc biệt, sử dụng bia rượu quá nhiều còn gây ra hàng loạt hậu quả về sức khỏe. Theo dự báo của Jagpreet Chhatwal, trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard, mức độ "nhậu nhẹt" tăng cao trong thời gian gần đây sẽ dẫn đến thêm 8.000 ca tử vong liên quan đến rượu vào năm 2040.

Các dịch vụ dành cho khách Tây ở TP.HCM chậm chạp trở lại

Trong những con hẻm nhỏ trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM), có hàng chục nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ nằm san sát nhau nhưng hơn một nửa trong số này hiện vẫn đóng cửa.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm