Nhận thông báo hoãn lịch tựu trường của học sinh lớp 1, chị Nguyễn Thị Năm (Bình Phước) đã bớt được nỗi lo vì con không phải đến trường trong thời điểm dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp. Nhưng khi đọc tin tức về hình thức học online, chị Năm lại sợ gia đình không đủ điều kiện để con tham gia học tập, vì bố mẹ đều thất nghiệp, kinh tế khó khăn.
Học sinh lớp 1 học trực tuyến. Ảnh minh họa: M.N. |
Thiếu sách, thiết bị học tập
Theo thông báo của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 23/8. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường của con chị Năm đã hoãn thời gian tựu trường.
Dịch bệnh Covid-19 khiến gia đình nữ phụ huynh gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Một tháng nay, chị Năm và chồng chưa thể đi làm trở lại. Đồng lương trợ cấp của công nhân không nhiều, khi con chuẩn bị vào lớp 1, nữ phụ huynh lo lắng về học phí.
"Mẹ bây giờ không đi làm, con đi học không biết phải làm sao. Không phải nhà nào cũng có máy tính để con học trực tuyến. Nếu con học online, tôi chỉ có điện thoại để con tham gia học", chị Năm nói.
Ở nhà, chị Năm và chồng thường nhắc nhở nhưng con gái khó tập trung ngồi học, nên nữ phụ huynh lo lắng việc học online sẽ không hiệu quả.
Sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Nguyễn Ngọc Dương (Bình Phước), phải xả bớt đàn để giảm chi phí thức ăn. Công việc kiếm thêm thu nhập từ kinh doanh trứng gà, vịt của anh cũng "tạm gác" lại vì thực hiện giãn cách, không được tụ tập, buôn bán ở vỉa hè.
Cả tháng nay, vợ chồng anh Dương chỉ ở nhà kèm thêm cho con gái chuẩn bị vào lớp 1. Từ những cuốn sách cũ đi mượn về, anh Dương cùng vợ dạy cho con đánh vần, viết chữ. Nghĩ đến vấn đề học phí của con và hình thức học online, anh thở dài.
"Học phí của con tôi có thể lo được. Nhưng con mà học online, phải có điện thoại thông minh, máy tính. Điều kiện gia đình lại không cho phép mua những thiết bị này. Bây giờ đang trong thời gian giãn cách, bố mẹ còn kèm cho con học được, nhưng sau này bố mẹ đi làm thì việc học của con khó khăn lắm", anh Dương nói.
Ở Hà Nội, chị Lý Thị Hương cũng đã nghỉ việc tại trường mầm non. 4 tháng rồi, hai vợ chồng chị Hương đều thất nghiệp. Cả gia đình của nữ phụ huynh đã ở trong khu cách ly gần một tháng. Số tiền mua sách giáo khoa cho còn vào lớp 1 không đủ, chị Hương phải hỏi mượn sách trên mạng xã hội để con học tập.
Nhiều địa phương hỗ trợ phụ huynh khó khăn
Trước những lo lắng của phụ huynh, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo, yêu cầu các sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong đó, bộ yêu cầu không tăng học phí so với năm học 2020-2021, có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Để giảm bớt nỗi lo học phí của phụ huynh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo sở GD&ĐT, yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu học phí giãn cách định kỳ hàng tháng, không thu gộp một lần, trừ trường hợp phụ huynh học sinh có điều kiện tự nguyện thì nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu tán đã tán thành thông qua Nghị quyết miễn 100% học phí cho trẻ em bậc học mầm non và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài trong năm học 2021-2022.
Đối với vấn đề thiếu thiết bị máy tính khi học sinh tham gia học trực tuyến, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các trường bố trí linh hoạt việc học online theo nhóm (không quá 3 học sinh/nhóm) trên địa bàn cư trú và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Để hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, không có điều kiện mua sách giáo khoa, Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo mỗi trường bố trí khoảng 50 bộ sách cho các em mượn học, đảm bảo học sinh có đủ sách trước thềm năm học mới.
Chia sẻ với Zing, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã cung cấp một số giải pháp để phụ huynh đồng hành cùng con trong giai đoạn học trực tuyến.
Theo nữ tiến sĩ, bố mẹ cũng nên chuẩn bị tâm lý cho con tự lo việc học, chỉ phạt khi con phạm lỗi, giúp con nhận thức được trách nhiệm học tập của bản thân ngay từ những ngày đầu học lớp 1.
Nữ tiến sĩ nhận định, học trực tuyến là hình thức học tập tạm thời trong điều kiện dịch bệnh. Phương pháp này chỉ giúp trẻ đạt được 30% mục tiêu học tập nên phụ huynh phải hỗ trợ nhiều hơn để trẻ đạt được các mục tiêu còn lại.
"Lớp 1 ngoài học chữ, số, trẻ còn có nhiều mục tiêu học tập khác nhau. Đó là tự giác làm công việc của mình, im lặng khi cô giáo giảng bài, ngồi yên trong lớp. Để trẻ làm được việc này, phụ huynh hãy giao nhiệm vụ cho con, như vẽ hình hoặc tô màu trong 15 phút tại bàn học, không nói gì thêm và đi ra ngoài. Điều này sẽ giúp trẻ hoàn tất mục tiêu học tập của mình", TS Vũ Thu Hương nói.
Thời gian con học trực tuyến tại nhà, theo nữ tiến sĩ, phụ huynh có thể tận dụng để đồng hành cùng con trong việc học chữ, học toán. Bố mẹ có thể đố con tìm chữ vừa được học trong các cuốn sách của gia đình, hoặc đố con bài toán bằng các vật dụng trong nhà. Đây là trò chơi học tập để phụ huynh giúp con hiểu bài hơn.
Ngoài thời gian học online, để giúp con giảm mệt mỏi sau giờ học, theo nữ tiến sĩ, phụ huynh nên cho con bận rộn với các hoạt động thể thao, làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân hoặc chăm sóc vật nuôi.