Chiều 23/7, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đã tổ chức gặp gỡ báo chí để chia sẻ một số thông tin xung quanh việc có 15 doanh nghiệp sẽ dịch chuyển nhà máy tới Việt Nam.
Doanh nghiệp có thể nhận 1.100 tỷ đồng để đa dạng chuỗi cung ứng
Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội Takeo Nakajima cho biết Chính phủ Nhật Bản có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng tới các nước ASEAN và đến nay có 30 doanh nghiệp đã đăng ký. Trong số này có 15 doanh nghiệp muốn mở thêm nhà máy tại Việt Nam.
Ông Takeo Nakajima nhận định từ tháng 2, dịch Covid-19 đã lan rộng ở Trung Quốc sau đó sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Sau đó tới Mỹ và lan rộng toàn cầu. Trong bối cảnh này, các linh phụ kiện trong các chuỗi cung ứng không được cung ứng theo kế hoạch, hoặc cung ứng hạn chế gây tác động đến nhiều lĩnh vực như ôtô, điện thoại di động, máy móc…
Dịch bệnh Covid-19 được Việt Nam kiểm soát rất sớm và nhanh là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Ảnh: Hiếu Công. |
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rơi vào cảnh thiếu linh kiện, không thể hoàn thiện sản phẩm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản có chương trình khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một nước nào đó. Mức tối đa các doanh nghiệp có thể nhận được là 5 tỷ yen (1.100 tỷ đồng) từ Chính phủ.
Trong quá khứ, Nhật Bản gây dựng các chuỗi cung ứng tại Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Đến nay, Chính phủ Nhật muốn các doanh nghiệp dịch chuyển sang các nước ASEAN với chi phí nhân công giá rẻ. Các lợi thế về chi phí từ các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đang mất dần.
Theo ông Takeo Nakajima, các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng chứ không phải dịch chuyển hoàn toàn nhà máy từ nước này sang nước khác. Ông lấy ví dụ với một loại linh kiện trước đây đã sản xuất ở Trung Quốc, nay muốn sản xuất linh kiện đó ở Việt Nam thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình hỗ trợ.
Nếu doanh nghiệp đã sản xuất linh kiện tại Đài Loan, muốn tăng sản lượng lên gấp đôi tại nhà máy ở Đài Loan, thì cũng không thể được hỗ trợ.
Lý do chọn Việt Nam
Nói về lý do, ông Takeo Nakajima đánh giá 15 doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đều có lý do riêng. Tuy nhiên, theo cá nhân ông nhận định thì có một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 được Việt Nam kiểm soát rất sớm và nhanh. Doanh nghiệp muốn sớm khôi phục sản xuất tại Việt Nam.
Thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản tính đến dài hạn 10-15 năm. Việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam cũng nhắm đến chính thị trường nội địa tiềm năng gần 100 triệu dân.
Thứ ba, chi phí nhân công và thuê đất tại Việt Nam khá rẻ. Việt Nam cũng có nhiều FTA với các quốc gia, hấp dẫn doanh nghiệp quốc tế khi đầu tư vào đây.
Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội Takeo Nakajima. Ảnh: Hiếu Công. |
Thứ tư, số lượng người nói tiếng Nhật ở Việt Nam đang lớn hơn các nước ASEAN khác cũng là một lợi thế. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng rất tâm huyết thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
“Thái độ của Chính phủ Việt Nam trong lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp được đánh giá cao, đó là điều rất tích cực”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima cũng nêu những bất lợi khi mở rộng chuỗi cung ứng. Ví dụ như sản xuất tập trung ở một nơi rẻ hơn, nhưng mở rộng ra 2 điểm có thể mất chi phí gấp đôi.
Ngoài ra, hiện tại việc đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang bị hạn chế, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 30-40% tùy theo sản phẩm. Việc thiếu nguồn nhân lực của Việt Nam cũng là vấn đề cản trở đầu tư
Trưởng đại diện JETRO cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đồng bộ và minh bạch. Ví dụ như cấp trung ương và địa phương hiểu khác nhau một điều luật, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về tổng thể, ông nhấn mạnh đây là vấn đề các doanh nghiệp Nhật Bản đều gặp phải ở nhiều quốc gia và chưa quá nghiêm trọng. Ông đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, minh chứng là có tới 15 trên 30 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam.
“Thông tin 15 doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam đã gây sốc cho các nước ASEAN lân cận. Đó sẽ là thách thức, bởi các nước khác sẽ không ngừng nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, không để thua Việt Nam”, ông chia sẻ.