Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều nhà xe bến Mỹ Đình kêu phá sản, 'dọa' trả lốt

Các nhà xe cho rằng việc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu việc chuyển tuyến trong 8 ngày là điều “không tưởng”.

Chiều 31/12, Sở GTVT Hà Nội đã có buổi làm việc với 25 nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình đi Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình...

Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết nhiều nhà xe đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ và UBND Hà Nội kiến nghị về vấn đề phân luồng tuyến ở các bến xe Hà Nội. Chính vì vậy, Sở muốn nghe ý kiến cụ thể của các nhà xe về vấn đề này.

Doanh nghiệp muốn đối thoại với Chủ tịch Hà Nội

Tại buổi làm việc, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) thông tin, Bộ GTVT vừa phê duyệt về phương án phân luồng tuyến ôtô liên tỉnh ở Hà Nội.

Mục đích của việc phân luồng tuyến là đảm bảo đồng bộ, công khai, giảm đi xuyên tâm, hạn chế xe dù, bến cóc và giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3. Những tuyến điều chuyển đều không phù hợp với quy hoạch.

“Mục tiêu của việc phân luồng là điều các tuyến cùng một tỉnh về một bến xe cho quy củ. Hiện, theo thống kê của Sở, 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm có 691 lốt xe, trung bình mỗi ngày có 680 chuyến”, ông Long nói.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Trần Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Xuân Hải (Thanh Hóa), cho biết các nhà xe được mời lên Sở GTVT rất nhiều lần nhưng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn gặp và đối thoại với Chủ tịch Hà Nội, đại diện của Bộ GTVT.

Nha xe ben My Dinh doa tra lot anh 1

Ông Trần Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Xuân Hải. Ảnh: Thắng Quang.

“Xin hỏi Sở GTVT, ở Hà Nội có bao nhiêu tuyến đường không có xe khách chạy qua mà vẫn ùn tắc giao thông. Vậy nguyên nhân ùn tắc có phải do xe khách”, ông Quảng nói.

Theo ông, trước đây, các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp vận tải vào bến Mỹ Đình từ ngày mới thành lập bến. Hơn 10 năm qua, nhiều nhà xe phải chịu thua lỗ góp phần xây dựng bến. Nếu bây giờ điều chuyển, họ chắc chắn phá sản, phải trả lốt, bỏ bến vì thua lỗ.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Ninh Bình đề xuất được đối thoại với Chủ tịch Hà Nội.

“Với quy định này, hơn 10.000 lao động sẽ rất lo lắng bởi có nguy cơ mất việc làm. Xe, sổ đỏ của chúng tôi đã cắm hết ở ngân hàng rồi. Nếu giờ sang Nước Ngầm không có khách, chúng tôi chỉ còn nước phá sản”, bà Nga nói.

Không có "lợi ích nhóm" trong phân luồng, chuyển tuyến 

Trả lời 25 doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo Hà Nội phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Một trong số đó là tổ chức giao thông, luồng tuyến tại các bến xe.

“Hà Nội phải rà soát, sắp xếp hợp lý các luồng tuyến, giảm áp lực cho tuyến vành đai 3 và các tuyến đường nội đô. Về phương án điều chuyển xe, Sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu quy định trái pháp luật”, ông Viện nói.

Ông Viện cho biết thêm Sở GTVT cùng Tổng cục Đường bộ đã tiến hành rà soát lại hơn 4.700 tuyến từ các tỉnh đến 5 bến xe chính.

Nha xe ben My Dinh doa tra lot anh 2
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện. Ảnh: Thắng Quang.

Trả lời câu hỏi của các nhà xe về quyết định điều chuyển quá gấp gáp, ông Viện nhấn mạnh thời điểm Tết Nguyên đán 2017, tình hình ùn tắc toàn giao thông trên địa bàn phức tạp. Sở GTVT báo cáo UBND thành phố phải thực hiện trước để giảm ùn tắc giao thông. Khi rà soát, trong số hơn 1.600 nhà xe có một số tuyến cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

“Tôi khẳng định hoàn toàn không có lợi ích nhóm, ưu tiên doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia trong quyết định phân luồng, chuyển tuyến. Văn bản của Sở dựa trên cơ sở giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội”, Giám đốc Sở GTVT khẳng định.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp sớm ổn định để tiếp tục hoạt động. Sở không bao giờ có ý định làm khó cho các nhà xe. Tất nhiên, vì mục tiêu chung sẽ có một số doanh nghiệp ảnh hưởng, phải hy sinh lợi ích”, ông nói thêm.

Tại buổi làm việc, Sở GTVT cũng phê bình việc các xe từ chối vận tải hành khách. Ông Viện nói rằng các nhà xe để người dân “bơ vơ” ở bến Mỹ Đình là việc làm không thể chấp nhận được.

Mặc nhà xe ở bến Mỹ Đình phản đối, Hà Nội vẫn chuyển tuyến

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vẫn kiên quyết giữ nguyên quy định phân luồng, chuyển tuyến, mặc cho hàng loạt nhà xe ở bến Mỹ Đình phản đối.


Văn Chương - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm