Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhiều nhà hàng ở TP.HCM, Hà Nội 'chạy đua' tiệc đầu năm

Vừa hết Tết, nhiều quán ăn, nhà hàng lập tức phải đáp ứng nhu cầu tổ chức tiệc tân niên trong tuần đầu tiên dân văn phòng đi làm trở lại.

Một số công ty, doanh nghiệp muốn tổ chức tiệc đầu năm cho nhân viên. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Từ mùng 8 Tết, Ann Quán, nhà hàng ẩm thực Việt nằm trên đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM), nhận được liên tiếp các cuộc gọi đặt bàn của khách hàng với mong muốn tổ chức liên hoan đầu năm cho công ty.

Chỉ tính trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, nhà hàng đã nhận đặt vài chục tiệc lớn (từ 20-60 người), lượng booking khung giờ trưa thường cao hơn khung giờ tối. Nằm đối diện tháp Bitexco và gần những tòa cao ốc khác tại quận 1, quán chủ yếu thu hút thực khách là nhân viên văn phòng.

Thông thường, nhà hàng dành tầng trệt cho nhóm khách lẻ, gia đình, còn lầu 2 và 3 dùng để phục vụ nhóm khách lớn, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện do số lượng bàn đặt trước lớn, quán phải sử dụng cả 3 lầu để đáp ứng nhu cầu liên hoan đầu năm của các công ty.

khai xuan anh 1

Các quán ăn, nhà hàng tất bật đón khách sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

“Chúng tôi không còn nhiều bàn trống cho khách vãng lai”, Nguyên Long, giám đốc nhà hàng, chia sẻ.

Vừa hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội, TP.HCM nhanh chóng quay lấy lại nhịp làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức tiệc tân niên diễn ra trong tuần đầu tiên đi làm trở lại của dân văn phòng.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ, số lượng đặt bàn liên hoan đầu năm "không thấm vào đâu" so với thời điểm tất niên cuối năm.

Nhiều khách, nhưng không quá tải

Nói với Zing, Nguyễn Xuân Tiến, tổ trưởng bàn tại Bò Tơ Quán Mộc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết quán anh khai xuân từ mùng 6 Tết và ghi nhận số lượng bàn đặt trước khá ổn định.

Tới ngày 30/1 (mùng 9 Tết), khi các công ty khai xuân, nhân viên văn phòng trở lại thành phố, số lượng khách tới quán đông đột biến.

Nhờ vị trí nằm ở khu vực nhiều tòa cao ốc văn phòng, quán trở thành điểm đến liên hoan đầu xuân của các nhóm “cổ cồn trắng” vào khung giờ trưa. Trong khi đó, quán đón tiếp nhiều thực khách đi cùng gia đình, bạn bè vào buổi tối.

“Ngoài hai khung giờ cao điểm trưa và tối, gần đây, chúng tôi nhận nhiều đơn đặt giao hàng tại nhà, chủ yếu là các set lẩu. Sau Tết, mọi người muốn ăn món gì khác lạ hơn bánh chưng, giò, nem”, Xuân Tiến nói.

Tuy nhiên, số lượng bàn đặt trước trong những ngày đầu năm mới không thể sánh bằng giai đoạn cuối năm - thời điểm mà nhiều cá nhân, công ty tổ chức tiệc tất niên.

Xuân Tiến cho biết vào những tuần cận Tết, anh và đồng nghiệp phải làm việc với công suất gấp đôi để đáp ứng nhu cầu ăn uống tăng đột biến. Cả 2 tầng của nhà hàng luôn kín chỗ, không còn bàn trống dành cho khách vãng lai.

Nhất Được, quản lý nhà hàng Bờm phong cách fusion tại đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1), cũng có chung nhận định.

Hiện quán mới nhận được 2-3 yêu cầu đặt bàn cho những tiệc lớn (8-30 người) - trái ngược hoàn toàn so với mùa tiệc year end party (YEP) của giới văn phòng tại TP.HCM. Nhưng thay vào đó, nhà hàng đón nhiều khách lẻ, tập trung vào cuối tuần.

Quản lý cho rằng liên tiếp các cuộc tụ tập, ăn uống diễn gần nhau - từ tiệc Giáng sinh, Tết Dương lịch cho đến bữa tất niên - khiến nhiều người cân nhắc kỹ hơn về việc tiếp tục tổ chức, tham gia các buổi liên hoan.

“Thậm chí, lượng khách ghé quán trong Tết còn đông hơn thời điểm sau kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi hơi chật vật để xoay xở tình huống với số lượng nhân viên hạn chế. Từ tuần này, tất cả nhân viên đã trở lại làm việc bình thường. Chúng tôi cũng sẽ tăng ca vào dịp cuối tuần”, cô nói.

Tăng không đáng kể

Trong khi đó, Lã Công Mừng, giám sát viên nhà hàng lẩu nướng trên phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), không thấy có sự thay đổi đáng kể nào về số lượng thực khách dịp đầu năm mới, một phần do quán mở xuyên Tết.

“Có những nhóm khách liên hoan khai xuân từ ngay sau giao thừa”, anh nói.

Đây không phải năm đầu tiên nhà hàng mở cửa xuyên Tết. Nhân viên được tự nguyện đăng ký lịch làm từ trước, miễn sao đảm bảo tối thiểu nhân sự ở từng bộ phận.

Công Mừng cho biết không ít người chọn ở lại bởi mức lương gấp 3, 4 lần. Riêng năm nay, gần 80% đội ngũ nhân viên đón Tết tại nhà hàng, nên “không phải lo lắng về vấn đề nhân sự”.

Giám sát viên ước tính trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà hàng tiếp đón chỉ khoảng 100 khách mỗi ngày. Kể từ mùng 5 âm lịch, con số có tăng lên khi mọi người trở lại thành phố, nhưng không đáng kể. Anh cho biết thời điểm cận Tết vẫn sôi động nhất, với các bữa tiệc cuối năm diễn ra liên tục từ tháng 12/2022.

“2 năm trước, mọi người đi ăn ngoài nhà hàng từ mùng 2, 3 Tết. Nhưng năm nay, có vẻ nhiều người chọn đi du lịch xa, đến mùng 5 âm lịch mới trở lại thành phố để liên hoan”, anh nói.

Giới trẻ TP.HCM đổ về quận 1, Thảo Điền trong ngày cuối nghỉ Tết

Ngày nghỉ cuối cùng của Tết Âm lịch rơi vào chủ nhật, nhiều bạn trẻ xuống phố đi dạo, mua sắm, tận hưởng không khí trong lành ở các quán cà phê, khu tổ hợp tại TP.HCM.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Hồng Chang - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm