Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người Sài Gòn không trang bị dụng cụ PCCC, có cháy thì... chạy

Các cửa hàng kinh doanh dụng cụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngán ngẩm cho biết rất hiếm hộ gia đình mua thiết bị này bởi chủ quan, khi có cháy cũng không đủ bình tĩnh xử lý.

Theo ghi nhận của Zing.vn, một số khu vực tập trung nhiều cửa hàng bán thiết bị, dụng cụ PCCC như đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), chợ Dân Sinh (quận 1) luôn trong tình trạng vắng khách mua. Nhiều cửa hàng cho biết người mua là hộ gia đình rất hiếm, khách hàng của họ chủ yếu là các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Thiết bị phòng chữa cháy chỉ bán cho cơ quan, doanh nghiệp

Bình chữa cháy là sản phẩm chính của cửa hàng PCCC Thăng Long (quận Bình Thạnh). Nếu người mua yêu cầu một số mặt hàng khác như đồ bảo hộ chữa cháy, mặt nạ dưỡng khí… cửa hàng cũng sẽ cung cấp. Thế nhưng, theo chủ cửa hàng, một tháng qua, số lượng sản phẩm bán ra ở đây khá ít. Ngay cả sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza ở quận 8, cửa hàng này cũng hiếm khách tư nhân mua thiết bị phòng chống cháy.

nguoi sai gon khong mua do chua chay anh 1
Cửa hàng kinh doanh dụng cụ PCCC của anh Bùi Quốc Tuấn rất hiếm khách là hộ gia đình ghé mua. Ảnh: Phúc Minh.

“Người mua ở đây hầu như chỉ là doanh nghiệp, cơ quan, còn hộ gia đình ít lắm, chiếm khoảng 10 - 20% thôi”, chủ cửa hàng cho biết.

Tương tự, tại chợ Dân Sinh (quận 1), các cửa hàng kinh doanh dụng cụ PCCC nằm san sát nhau, trưng bày đầy đủ thiết bị như bình chữa cháy, thang dây, dây thừng, quần áo phòng, chữa cháy, búa thoát hiểm… nhưng theo các chủ hàng, hầu như đều rơi vào tình trạng hiếm người mua.

Anh Bùi Quốc Tuấn, chủ một cửa hàng trong chợ thở dài cho biết thiết bị PCCC khá kén người mua. Khách hàng của anh đa phần là người quen từ các công ty, đơn vị, còn gia đình sử dụng thì hiếm hoi lắm mới có vài người.

nguoi sai gon khong mua do chua chay anh 2
Các cửa hàng bán thiết bị PCCC, dụng cụ bảo hộ lao động ở chợ Dân Sinh thường chỉ bán cho khách mua là doanh nghiệp, công ty. Ảnh: Phúc Minh.

“Người dân mình ngộ lắm. Bình thường thì không tự trang bị phòng khi gia đình có hỏa hoạn. Tới khi cháy xảy ra ở đâu đó rồi mới thấy sợ mà chạy đi mua. Thường thì xong mấy vụ cháy lớn, cửa hàng tôi bán được hơn, do nhiều người đổ xô đi mua. Nhưng sau đó một thời gian thì vắng tanh trở lại”, anh cho hay.

Chủ cửa hàng này cho biết thêm sau sự cố cháy chung cư Carina Plaza (quận 8), có thể trong những ngày tới, các gia đình sẽ lo lắng và bắt đầu tìm hiểu về thiết bị PCCC tại nhà.

Mua bình chữa cháy để đối phó, có cháy thì chạy

Ngày 23/3, cửa hàng của chị Thanh Hằng trong chợ Dân Sinh có nhiều khách mua thiết bị, dụng cụ hơn so với các nơi khác. Nhưng khi được hỏi đối tượng là hộ gia đình nhỏ lẻ, chị lắc đầu: “Cửa hàng tôi chỉ cung cấp cho cơ quan, doanh nghiệp thôi, đông nhất là các quán ăn, cửa hàng. Theo quy định, các nơi này bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị PCCC nên người ta mới mua, chứ gia đình thì không đâu”.

Nhưng cũng theo chị, đa phần người mua, nhất là các cửa hàng, quán ăn chỉ để đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra. "Họ tự trang bị để không bị phạt. Vì đối phó nên kỹ năng của họ trong việc sử dụng các thiết bị này có thể cũng rất mơ hồ”, chị nói.

nguoi sai gon khong mua do chua chay anh 3
Bình chữa cháy dung tích nhỏ dành cho gia đình được bán rất nhiều nhưng hiếm người mua. Ảnh: Phúc Minh.

Tại cửa hàng này, giá sản phẩm chữa cháy ở mức thấp, đảm bảo cho một hộ gia đình bình thường trang bị được. Như vòi chữa cháy có giá từ 300.000 đồng, bình chữa cháy từ 150.000 đồng trở lên…

“Bỏ ra số tiền không quá lớn là mỗi gia đình có thể tự trang bị một bình chữa cháy cỡ nhỏ, mặt nạ dưỡng khí, thang dây để phòng khi hỏa hoạn. Tuy nhiên theo tôi thấy, vấn đề không phải là giá cả, mà người dân vẫn còn quá chủ quan. Hoặc khi cháy xảy ra, người ta cũng không đủ bình tĩnh mà xử lý được bà hỏa, mạnh ai nấy chạy”, chị giải thích.

Tương tự, anh Tuấn cho biết một bình chữa cháy ở cửa hàng anh có giá dao động 200.00-400.000 đồng, tùy dung tích. Tuy nhiên theo anh, giá cả không phải là nguyên nhân khiến người dân không tự trang bị bình chữa cháy tại nhà.

“Do ý thức cảnh giác với hỏa hoạn của mọi người còn thấp thôi, cứ nghĩ cháy sẽ không tìm mình. Nhưng thực tế khi có cháy nổ xảy ra, họ cũng không đủ can đảm mà đứng lại, mang mặt nạ dưỡng khí, bình cứu hỏa để chữa cháy mà chỉ biết… chạy”, chủ cửa hàng chia sẻ.

Người dân mong muốn được tập huấn phòng chữa cháy

Ông Nguyễn Thanh Xuân, sống trong một hẻm nhỏ ở quận 8, một khách hàng đi mua thiết bị phòng chữa cháy ngày 23/3, cho biết không chỉ ông mà nhiều gia đình khác cùng sống ở đây trước giờ không tự trang bị các thiết bị PCCC tại nhà. Ông nghĩ khi có sự cố lớn xảy ra, lực lượng chức năng, các đội PCCC sẽ đến giúp đỡ người dân.

“Nghe tin chung cư trong quận mình sống cháy mà tôi phát sợ. Trước giờ tôi và nhiều người quá chủ quan. Bây giờ tôi mới thấy dù sao, mỗi gia đình cũng nên tự trang bị bình chữa cháy và một số thiết bị khác để an toàn hơn. Tự chữa cháy tại nhà trước khi ngọn lửa bùng ra những nơi khác, không làm thiệt hại cho mình và cho người”, ông cho hay.

Tuy nhiên, điều người đàn ông gần 50 tuổi này lo lắng chính là các kỹ năng sử dụng bình cứu hỏa và một số thiết bị PCCC khác. “Tôi hy vọng, sau sự cố này, tôi và bà con được tập huấn PCCC, để ít nhiều cũng phải biết cách thực hiện, lỡ có cháy xảy ra. Chứ các gia đình có đủ hết dụng cụ mà không biết sử dụng thì cũng chịu thua bà hỏa”, ông nói thêm.

Người dân mua mặt nạ phòng khói độc, thang dây sau vụ cháy chung cư

Sáng 23/3, vài giờ sau vụ cháy chung cư cao cấp ở TP.HCM, chủ một số cửa hàng bán thiết bị phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội bỗng tiếp nhiều khách hơn thường lệ.

Chủ đầu tư Carina 'mất' 170 tỷ đồng sau một đêm vì cổ phiếu giảm

Cổ phiếu Công ty 577 (mã NBB) giảm kịch sàn, không ai muốn mua bán trong phiên sáng 23/3. 577 là chủ đầu tư của dự án Carina Plaza - nơi vừa xảy ra cháy khiến 13 người thiệt mạng.


Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm