“Cô ơi, cho con tô bún bò đầy đủ nha”, Trọng Quân (sinh năm 1994) vừa dựng xe, vừa nói với chủ quán bún bò Huế Thúy Loan trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).
Sau hơn bốn tháng giãn cách xã hội, đến ngày 28/10, Quân mới có thể đến hàng quán và ăn sáng tại chỗ.
“Được ăn tại hàng quán trở lại, tôi rất hào hứng, cảm thấy thoải mái vì không phải mang theo đồ ăn từ nhà hoặc mua bánh mì dọc đường như những ngày trước nữa”, Trọng Quân chia sẻ với Zing.
Trọng Quân hào hứng bởi được ăn tại hàng quán sau giai đoạn giãn cách xã hội. |
Quân cũng cho biết trong thời gian tới, anh sẽ thường xuyên ăn sáng tại các hàng quán, ưu tiên lựa chọn những chỗ gần nơi làm việc, tiện đường đi lại.
Vẫn lo ngại
Ngồi cách Trọng Quân một bàn trong quán, Triệu Vỹ (sinh năm 1994) và bạn gái đang thưởng thức 2 tô bún nóng hổi.
Trước đó, họ phải đi 3-4 quán dọc đường từ nhà tới công ty, tìm tiệm ăn phục vụ khách tại chỗ trở lại.
“Trái với tưởng tượng của tôi, hôm nay có nhiều tiệm ăn vẫn chỉ bán mang về. Có lẽ do thông báo gấp rút quá, họ chưa kịp chuẩn bị nguyên vật liệu, bổ sung nhân viên. Tôi mất 10-15 phút mới tìm được tiệm bún bò Huế này”, Triệu Vỹ kể.
Được ăn tiệm sau một thời gian dài, cả hai đều hào hứng và thấy món ăn dường như ngon hơn.
“Chúng tôi mừng vì cuối cùng hàng quán cũng mở lại. Trước đó, tôi thường phải mua đồ ăn sáng về nhà, hoặc mang lên công ty dùng bữa. Điều đó khá phiền khi phải mất thêm thời gian bày biện, rửa chén…, trong khi bữa sáng cần nhanh chóng để kịp giờ làm”.
Bích Trân thưởng thức tô phở sáng trước khi đi tiêm vaccine Covid-19. |
Bích Trân (quận 1) cũng có chung quan điểm với Triệu Vỹ. Từ 7h, cô và mẹ đã ghé quán phở Phú Vương dùng bữa sáng sau một thời gian dài không ăn tiệm.
“Gia đình mình có thói quen ăn sáng ở nhà. Sáng nay tiện đi công chuyện, lại là ngày đầu tiên quán xá ở TP.HCM mở bán tại chỗ, hai mẹ con mới dậy sớm, đi ăn như thế này”, Bích Trân chia sẻ.
Nhấp một thìa nước dùng nóng hổi, Bích Trân không khỏi xuýt xoa bởi hương vị tô phở không hề thay đổi so với trước đây. Cô chia sẻ rằng với các món nước như bún, phở…, ăn tại chỗ sẽ khiến hương vị món ăn càng thêm thơm ngon.
Quán phở Phú Vương vẫn chủ yếu bán mang đi, vẫn ít khách ăn tại chỗ. |
15 phút trước giờ vào làm, Phan Tô Ny (sinh năm 1990) vội ghé tiệm bánh cuốn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) ăn sáng.
“Vài tháng trước, tôi phải chuẩn bị bữa sáng tại nhà, hoặc mua đồ ăn mang tới công ty. Tuy nhiên, việc nấu nướng sẽ mất chút thời gian, còn mua đồ mang đi lại phải sử dụng túi nylon, bao bì nhựa không thân thiện với môi trường. Vì thế, tôi mừng khi được ăn tại chỗ trở lại”, anh nói.
Dù vậy, Tô Ny vẫn lo ngại trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Anh cho biết bản thân sẽ tìm những tiệm ăn có không gian rộng thoáng, chú ý sát khuẩn tay trước và sau khi ăn.
“Nói thật, tôi vẫn phải ‘nhìn trước, ngó sau’ khi chọn tiệm ngồi lại. Tôi sẽ không ghé những quán quá đông đúc, không gian nhỏ hẹp để đảm bảo giãn cách với nhân viên và những thực khách khác. Tôi nghĩ trước tình hình hiện tại, ai cũng sẽ làm như vậy”.
Chủ quán bún Thanh Mai (đường Trương Định) cho biết chỉ đón rất ít khách ăn tại chỗ, vẫn giữ khoảng cách với người mua mang về. |
Chủ quán chờ đợi nhiều khách hơn
Khoảng 7h sáng 28/10, hàng chục xe máy xếp dài trước quán phở Phú Vương (đường Nguyễn Thái Bình, quận 1).
Chị Lê Thị Ánh Nguyệt (chủ quán) tất bật chan nước dùng lên những tô phở phục vụ khách ăn tại chỗ, trong khi đó nhiều nhân viên khác phụ chị chuẩn bị đơn hàng cho người mua mang về.
Chia sẻ với Zing, chị Nguyệt cho biết vào tối hôm trước, chị đọc được thông tin thành phố cho phép quán ăn được bán tại chỗ trở lại. Ngay sau đó, chị tập hợp nhân viên của quán để dặn dò, sẵn sàng đón những vị khách đến quán ngồi trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội.
“Nghe tin được bán tại chỗ, tôi thực sự rất mừng. Suốt hơn 20 năm mở quán, chưa khi nào tôi phải đóng cửa và nghỉ làm lâu như vậy. Tôi chỉ nhắc nhở các bạn nhân viên một chút thôi vì suốt từ khi mở cửa bán mang đi, ngày nào tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần, cơ sở vật chất cho ngày này”, chị nói
Chủ quán phở Phú Vương tất bật chuẩn bị đồ cho khách. |
Tuy nhiên, cũng theo chị Nguyệt, lượng khách ăn tại chỗ trong sáng 28/10 khá ít, chủ yếu vẫn là shipper hoặc người mua mang về. Điều này khiến chị có chút buồn, hy vọng những ngày sau sẽ có thể đón lượng khách đông đúc hơn.
“Nay quán chỉ có rất ít khách ăn tại chỗ. Phần vì quán chỉ được hoạt động 50% công suất theo quy định, phần khác vì nhiều người vẫn chưa biết đến việc được ăn tại chỗ. Nhưng dù ít hay nhiều khách, tôi vẫn sẽ nấu phở chất lượng như cũ, không hề thay đổi”, chị nói.
Trong khi đó, quán bánh cuốn Hồng Hạnh (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) cũng có tình trạng tương tự.
Từ 6h, anh Hoàng Văn Sen cùng gia đình đã dậy để nướng thịt và mở hàng, hy vọng sẽ đón nhiều khách đến ăn tại chỗ. Thế nhưng đến 8h30, quán của anh mới chỉ tiếp khoảng 4-5 lượt khách.
“Tôi biết tin TP.HCM cho phép quán ăn được bán tại chỗ thấy vui lắm, thành phố cho mở cửa đến đâu, tôi vui đến đấy. Nhưng hôm nay quán chưa có nhiều khách, có lẽ đến trưa người ta mới đến đông hơn”, anh Sen nói.
Anh Sen nhanh tay nướng thịt, cho biết quán có thể đông khách hơn vào buổi trưa. |
Nam chủ quán tâm sự thêm quán anh hiện chỉ có các thành viên trong gia đình làm việc, nhân viên đã về quê nhiều tháng qua để tránh dịch. Việc thiếu hụt người làm khiến quán phải cắt giảm nhiều món trong thực đơn, chưa biết khi nào mới có thể khôi phục việc kinh doanh như trước.
“Do dịch bệnh, quán của tôi làm ăn kém hơn trước rất nhiều. Nhưng giờ được bán lại thế này, tôi đã thấy vui rồi. Tôi mong dịch bệnh ổn định hơn, khách sẽ quay lại quán nhiều như trước đây”, anh cho hay.