Sáng 16/8, chị Hạnh Phan (31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chuẩn bị để đi tiêm vaccine sau khi nhận được thông báo của công ty vào đêm hôm trước. Điểm tiêm nằm ở bệnh viện tại quận 1, mất khoảng 20 phút đi xe, còn phải test nhanh trước khi vào tiêm nên chị cố gắng đi sớm.
Đến lúc dắt xe ra khỏi cổng nhà trọ, chị mới tá hỏa vì chiếc xe tay ga không thể nổ máy sau hơn 2 tháng nằm im một chỗ.
"Tôi lập tức gọi điện cho chỗ sửa xe ngay cùng hẻm. Anh nhân viên đoán có thể do xe lâu ngày không đi nên đã cạn bình ắc quy, nhưng anh không thể hướng dẫn tôi tự xử lý. Sợ muộn giờ nên tôi cất xe vào rồi tính tiếp", chị kể.
Nhiều xe máy của người dân tại TP.HCM không thể nổ máy do lâu ngày không hoạt động vì giãn cách. Ảnh: Team Kỹ thuật của Cư dân Masteri Thảo Điền. |
Chị Hạnh gọi điện một lượt cho những đồng nghiệp cũng đi tiêm vaccine cùng đợt, may mắn có một bạn đồng ý chở chị đi cùng.
"Lúc đó không có người giúp thật sự không biết làm sao. Giữa mùa dịch thế này không thể gọi được xe ôm, taxi nên chuyện xe cộ hỏng hóc thực sự rất phiền".
Xe máy cạn bình, hỏng hóc
Hai ngày sau, chị Hạnh liên hệ lại cửa hàng sửa xe để phòng trường hợp cần dùng gấp, phần nữa vì chị sợ để lâu xe sẽ hỏng nặng hơn.
"Vì quán sửa xe đóng cửa nên anh ấy hướng dẫn tôi tháo bình đem ra sạc giúp, may là sạc 15 phút mang về lắp vào thì xe nổ máy bình thường. Anh ấy nói thời gian này nhiều người để xe trong nhà lâu mà không nổ máy định kỳ có thể xảy ra tình trạng này. Anh dặn tôi nếu lâu ngày không đi, nên dựng chân chống sau cho xe đứng, khoảng 2-3 tuần nên nổ máy một lần để không bị hết điện".
Thời gian giãn cách kéo dài, không thể đi lại, không ít người dân tại TP.HCM gặp vấn đề tương tự chị Hạnh. Nhiều người gặp tình trạng xe không thể nổ máy, đau đầu vì xe hỏng nhưng không thể tới chỗ sửa.
Hà Phương (sinh năm 1997, ngụ ở thành phố Thủ Đức) đã lên một danh sách dài các việc cần làm trước khi trở lại văn phòng hậu giãn cách, trong đó ưu tiên hàng đầu là sửa xe máy.
Suốt 4 tháng qua, Phương chỉ dùng đến xe máy 2 lần để đi tiêm vaccine. Khoảng thời gian còn lại, chiếc xe xếp xó, bám đầy bụi bẩn trong góc nhà xe của khu trọ.
Nhiều xe máy bị hỏng hóc, đóng bụi trong hầm để xe sau nhiều tháng. |
“Lần đi tiêm thứ hai vào đầu tháng 8, mình đề mãi nhưng xe không nổ máy vì đã để yên, quên dựng chân chống giữa gần 2 tháng. Loay hoay gần 30 phút không được, cuối cùng mình phải nhờ chú chủ trọ xuống đạp hộ cần đạp khoảng 5-6 lần thì xe mới đi được”, Phương kể.
Sau đợt đó, cứ khoảng một tuần, dù không đi đâu, Phương vẫn dắt xe ra khởi động, nhấn ga khoảng 4-5 phút cho nóng máy nhằm hạn chế “bệnh cũ tái phát”.
“Chiếc xe mình mua hồi năm nhất đại học, đến hiện tại cũng đã theo được 5-6 năm. Thời gian đầu vì lười chùi rửa, bảo dưỡng nên sau này xe hay gặp các vấn đề, sự cố đi đường. Sau đợt giãn cách này mình dự định mang xe tới một tiệm uy tín nhờ người ta kiểm tra lại toàn bộ máy móc và bảo trì lại”.
Giải pháp tạm thời
Những ngày giãn cách kéo dài, việc hạn chế ra đường khiến chiếc xe tay ga của Nguyễn Sơn (sinh năm 1995, ngụ ở thành phố Thủ Đức) gần như bị bỏ quên trong góc nhà giữ xe chung cư.
Cuối tháng 8, khi phải ra ngoài tiêm vaccine, Sơn mới sử dụng đến chiếc xe máy. “Lâu ngày quá rồi nên mình còn quên luôn chỗ để xe, phải chạy tới chạy lui tìm gần 15 phút mới ra”, Sơn kể.
Tuy nhiên, vì xếp xó quá dài ngày nên chiếc xe “trở chứng”, làm cách nào cũng không chịu nổ máy. “Xe phủ một lớp bụi dày, mình phải dùng tạm giấy vệ sinh lau qua. Đến khi đề máy thì tiếng nổ rất yếu, lịm dần rồi tắt hẳn luôn. Dựng cho xe nghỉ khoảng 4-5 phút rồi đề lại cũng không ăn thua”.
Sơn đoán bình ắc quy đã hết điện nên giờ chỉ có thể chờ hết giãn cách rồi dắt xe ra tiệm sửa.
“Hơn 2 tháng nay, có việc khẩn cấp cần ra ngoài thì mình đi nhờ đồng nghiệp hoặc mượn tạm xe người quen. Khá bất tiện nhưng đành chấp nhận thôi”.
Người dùng cần kiểm tra, vệ sinh xe thường xuyên để tránh bị chuột, côn trùng chui vào cắn phá. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Vài tháng đầu giãn cách, dù không dùng xe đi làm, Vy (24 tuổi) vẫn đều đặn mang xe ra nổ máy để tránh bị cạn bình. Vì không đủ sức dựng chống xe sau nên cô đành dắt ra chạy ít vòng trong hẻm.
"Mình từng gặp tình trạng xe cạn ắc quy, phải thay bình do để im lâu ngày không chạy nên phải phòng trước. Mùa dịch này không dám để xe bị hỏng vì quán sửa xe đóng cửa hết".
Đến tháng 8 vẫn chưa hết dịch, bị phong tỏa nghiêm ngặt hơn, Vy nảy ra ý tưởng đưa xe cho người chị cùng xóm trọ vẫn đang được đi làm "chạy giúp".
"Khoảng một tuần chị ấy sẽ dùng xe mình đi làm một lần, như vậy mình không phải mang xe ra nổ máy nữa. Một số bạn trong khu trọ biết 'trò cồng kềnh' của mình cũng nhắn nhờ chị ấy đi giúp vì sợ hết giãn cách thì xe thành 'đống sắt vụn'".
Vy nói rằng đang nóng lòng chờ đến khi hết giãn cách, các cửa hàng sửa xe mở cửa trở lại để mang xe đi bảo trì, kiểm tra và thay dầu nhớt.
Anh Việt Tuấn (một người chuyên sửa chữa và nâng cấp xe máy tại TP.HCM) chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Zing xe máy để lâu ngày không sử dụng có thể gặp một số vấn đề như cạn bình ắc quy, rỉ sét, chảy xăng, bị chuột hoặc côn trùng cắn phá.
Anh cho biết khoảng một tuần nên nổ máy xe một lần, nên đưa ra ngoài trời, nơi thông thoáng nổ máy để tránh ngạt khí CO2. Nếu không thể nổ máy trong thời gian dài, có thể tìm cách tháo ắc quy ra khỏi kết nối với xe để tránh cạn bình.