Theo South China Morning Post, sau đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên tại Myanmar hồi tháng 3, cô Ma Suu, 36 tuổi, phải đóng quầy bán salad của mình. Cô đem vàng và đồ trang sức đi cầm để lấy tiền mua thức ăn.
Đến làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, chính quyền Myanmar áp lệnh giãn cách xã hội trong tháng 9 đối với cư dân Yangon. Cô Ma Suu lại phải đóng cửa nhà hàng một lần nữa và bán quần áo, đĩa và xoong nồi.
Chồng cô - một công nhân xây dựng - mất việc làm. "Nhiều người trong số chúng tôi phải săn chuột và rắn để ăn vì chúng tôi không còn thu nhập", cô Suu than thở.
Nhiều người Myanmar gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Những người dân này sống ở Hlaing Thar Yar, một trong những khu dân cư nghèo nhất của thành phố Yangon. Đây là thành phố đông dân nhất cả nước với dân số hơn 4 triệu người.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết 40% hộ gia đình đã được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa khiến mọi người trở nên tuyệt vọng hơn.
Ông Myat Min Thu, một quan chức khu vực, khẳng định các khoản hỗ trợ của chính phủ và những đóng góp của khu vực tư nhân đã được phân phối đến người dân. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng chúng không thể đủ cho tất cả.
Ngay cả trước đại dịch, bất chấp những thành tựu gần đây, 1/3 trên tổng số 53 triệu người của Myanmar vẫn bị coi là “rất dễ tổn thương”. Với cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, nhiều người bị đẩy vào cảnh nghèo đói.
Các lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19 đẩy nhiều người vào cảnh mấy thu nhập. Ảnh: AFP. |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng nghèo đói ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng lên lần đầu tiên sau 20 năm do dịch Covid-19. Khoảng 38 triệu người tiếp tục sống hoặc bị đẩy trở lại cảnh nghèo đói.
Chính phủ Myanmar đã cung cấp cho các hộ gia đình nghèo gói lương thực và ba khoản trợ cấp tiền mặt, mỗi khoản trị giá 15 USD. Tuy nhiên, những gia đình này than vãn rằng số tiền trên là không đủ.
Một cuộc khảo sát của ONow Myanmar với hơn 2.000 người trên khắp đất nước hồi tháng 4 cho thấy 70% mất việc làm. Khoảng 25% phải vay tiền để mua thức ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Các lĩnh vực như may mặc và du lịch bị đình trệ trong khi lượng kiều hối cạn kiệt, theo chuyên gia Gerard McCarthy tại Viện Nghiên cứu Châu Á (Singapore).
"Các hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì phải trả tiền chữa bệnh, đóng học, nuôi người già và chi phí hàng ngày. Nhiều người phải trả nợ", ông nói thêm.