Trong bức thư ủng hộ Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia hành động để ngăn chặn nạn đói năm 2021, hàng trăm tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới nhận định: “Nhiều người không chỉ đang chết đói - họ đang bị bỏ đói”.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nạn đói cũng như các vấn đề xung đột, khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng.
Cô Danssanin Lanizou (30 tuổi) và đứa con một tháng tuổi bị suy dinh dưỡng. Ảnh: AP. |
Trong thư, các tổ chức trong đó có Hội đồng Quốc tế Các cơ quan Tình nguyện và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) chia sẻ: “Trẻ em gái cũng như trẻ em trai, đàn ông cũng như phụ nữ, đang bị bỏ đói bởi xung đột và bạo lực; bởi sự bất bình đẳng; bởi tác động của biến đổi khí hậu; bởi mất đất, mất cơ hội việc làm; bởi cuộc chiến chống lại Covid-19 đã khiến họ bị bỏ lại phía sau".
Bức thư đưa ra lời cảnh báo “lịch sử sẽ phán xét tất cả chúng ta bởi những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay”. Vì vậy, các quốc gia cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn trước khi những điều tồi tệ hơn xảy ra.
Theo đó, hơn 34 triệu người đang trên bờ vực chết đói và có thể rơi vào cảnh đói kém nếu không có hành động ngay lập tức. Tại các nước nghèo như Yemen, Nam Sudan và Burkina Faso, 155.000 người đang sống trong các khu vực có nguy cơ xảy ra nạn đói.
Vì vậy, các quốc gia phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thực hiện các hành động chính trị cần thiết để ngăn chặn xung đột, nguyên nhân chính gây ra nạn đói và là rào cản đối trong việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.
Các tổ chức phi chính phủ nhận định sẽ cần ít nhất 5,5 tỷ USD để hỗ trợ lương thực và các hoạt động nông nghiệp nhằm ngăn chặn nạn đói, trong khi cần hàng triệu USD nữa để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nước sạch và các dịch vụ thiết yếu khác. Tuy nhiên, các tổ chức cũng cảnh báo rằng nguồn tài trợ đang dần cạn kiệt.
“Tình hình đòi hỏi hành động khẩn cấp, ở quy mô mà chúng ta không thể tưởng tượng”, một bức thư riêng khác viết. “Nếu không hành động, sinh mạng sẽ bị mất. Trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc về tất cả các quốc gia".