Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà Danh Lan, ông Nguyễn Văn Nhơn - trưởng ấp 7 - cho biết đây là hộ nghèo ở địa phương. Do bị bạn bè rủ rê, Danh Lan lên Sài Gòn bán thận để lấy tiền trả nợ. "Sự việc được địa phương phát hiện gần đây, vì anh không cho ai biết chuyện mình đi bán thận", ông Nhơn nói.
Là hộ nghèo, không có đất sản xuất nhưng phải nuôi 5 miệng ăn nên hàng ngày Danh Lan cùng các thanh niên trong xóm đi cắt lúa mướn. “Nhưng đó chỉ là vào vụ mùa, còn ngày thường thì thất nghiệp", Danh Lan nói.
Vừa lo cái ăn, con cái lại thường xuyên ốm đau nên để có tiền xoay sở, anh phải đi vay tiền. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ mà vợ chồng anh phải gánh lên đến gần 100 triệu đồng.
Từ một thanh niên khỏe mạnh, Danh Lan trở thành người gầy yếu, không làm được việc nặng sau khi cắt thận. |
Giữa năm 2012, khi hết vụ lúa, có một người bạn rủ anh lên Sài Gòn bán thận để lấy tiền trả nợ. Mới nghe thế, Danh Lan cũng sợ khi cắt một quả thận sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, không thể đi làm thuê nuôi sống gia đình.
Anh kể: "Dù rất sợ cắt thận, nhưng tôi nghĩ nếu bán được 100 triệu đồng thì có thể trả nợ và dư một ít để làm ăn. Tôi hỏi Phú Anh (bạn cùng làm mướn) hiến thận rồi sức khỏe ra sao, anh ta kéo áo chỉ vào vết mổ và nói có sao đâu". Khi Danh Lan đồng ý, Phú Anh liền cho số điện thoại người quen trên Sài Gòn.
Sau khi làm các xét nghiệm, người đàn ông tên Nghĩa (ngụ TP.HCM) nói Danh Lan về quê, chờ có người nhận thận thì tiến hành phẫu thuật. “Toàn bộ chi phí đi lại, hộ chiếu ra nước ngoài đều được người ta lo hết, mình chỉ việc chờ đến ngày đi phẫu thuật thôi”, Danh Lan kể.
Sau đó, anh được đưa sang Trung Quốc tiến hành cắt, ghép thận với bệnh nhân. Hơn một tháng ở nước ngoài, ca mổ mới hoàn tất. Khi trở về nước, Danh Lan được Nghĩa giao đủ 100 triệu đồng như đã thỏa thuận.
"Khi về nước, số tiền 100 triệu đồng anh sử dụng vào việc gì?", PV hỏi. "Tôi mang trả nợ hết. Còn dư hơn 20 triệu, vợ chồng mua heo về nuôi. Nhưng làm ăn thất bát rồi cụt vốn. Cái chuồng heo giờ cũng bỏ không ”, Danh Lan trả lời.Vết mổ bán thận trên bụng của Danh Lan. |
Sau khi bán thận trở về, gia đình đón thêm thành viên mới là cháu Danh Hà. Hiện chưa đầy một tuổi nhưng cháu mắc nhiều bệnh. Để có tiền chạy chữa, gia đình lại phải đi vay mượn. “Số nợ của nó giờ cũng gần 100 triệu rồi, chưa biết lấy gì trả cho người ta nữa”, bà Đào Thị Đen (67 tuổi, mẹ vợ Danh Lan) than thở.
Từ chỗ một người khoẻ mạnh, nhưng sau khi bán thận, anh ngày càng ốm yếu, sức khỏe giảm sút, cái nghèo tiếp tục đeo bám. Danh Lan cho biết từ ngày cắt thận đến giờ, anh chưa đến bệnh viện tái khám lần nào.
“Chỉ có một lần vác lúa nặng quá, đi khám thì bác sĩ nói bị thoái hoá cột sống, viêm dạ dày và bị nhiễm khuẩn, rồi kê toa về nhà mua thuốc uống. Không biết sau này thế nào, nhưng hiện sức khoẻ rất yếu", Danh Lan nói.
Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - vừa ký văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành rà soát các trường hợp "hiến thận" trên địa bàn, báo cáo về UBND TP. Đồng thời, chủ tịch UBND các quận, huyện rà soát trên địa bàn nếu có trường hợp mua bán thận phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Cũng giống Danh Lan, tháng 1/2014, anh Hồ Văn Tranh (45 tuổi, ngụ ấp 6) nghe bạn rủ đi bán thận để nhận 120 triệu đồng. Từ ngày cắt thận trở về đến nay gần 3 tháng, nhưng vết mổ trên bụng anh vẫn còn đau.
Anh Tranh hối hận: "Tôi đi lại rất khó khăn, không chạy xe máy được. Thấy sức khỏe giảm hơn 50% so với trước, giờ không làm được gì nặng, đi đứng cũng chậm hơn. Giờ cho tôi bạc tỷ cũng không bán thận".
Dãy nhà lá của các con ông Ngô Văn Y - gia đình có 5 người bán thận. |