Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều ngân hàng rút đơn mua ngoại tệ

Trong ngày 11/7 nhiều ngân hàng đã rút đơn xin mua ngoại tệ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước bởi có thể tự cân đối, nhu cầu được đáp ứng trên liên ngân hàng.

Nhiều ngân hàng rút đơn mua ngoại tệ

Trong ngày 11/7 nhiều ngân hàng đã rút đơn xin mua ngoại tệ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước bởi có thể tự cân đối, nhu cầu được đáp ứng trên liên ngân hàng.

Chiều qua 11/7, Ngân hàng Nhà nước đã “ngồi lại” với lãnh đạo của 14 ngân hàng thương mại lớn nhất trong hệ thống. Nội dung trọng tâm của cuộc họp là định hướng ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, tập trung xử lý vấn đề dư thanh khoản tiền đồng.

Song song với cuộc họp trên, giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng bước đầu đã có tín hiệu đồng thuận với thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào cuối chiều ngày 10/7.

 

Các ngân hàng thương mại đã tự cân đối, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng trên thị trường liên ngân hàng.

Một nguồn tin cho biết, giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng hôm nay đã sôi động trở lại, sau những ngày căng thẳng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã trở lại giao dịch trong khuôn khổ của thị trường này, trong phạm vi biên độ của quy định hiện hành. Giao dịch sôi động cho thấy cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống đã được khơi thông trở lại, các ngân hàng thương mại đã tự cân đối được nguồn ngoại tệ, thay vì có dấu hiệu găm giữ hoặc giao dịch “ngoài luồng” trước đó.

Trước khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng, tổ chức họp bàn với 14 ngân hàng thương mại lớn để nhấn mạnh định hướng giữ ổn định tỷ giá, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng rất hạn chế. Các thành viên chủ yếu giao dịch “ngoài luồng” với mức tỷ giá cao hơn trần quy định.

Theo ý kiến của một chuyên gia, khi có dấu hiệu căng thẳng, có hiện tượng ngân hàng thương mại tổ chức giao dịch "tay bo", vòng qua đồng tiền thứ ba hay các hình thức khác để vượt trần quy định và tránh sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hôm nay họ đã trở lại giao dịch chính thức và sôi động trên liên ngân hàng, trong biên độ quy định. Đó là một tín hiệu tích cực, cho thấy bước đầu khơi thông kênh điều tiết vốn này, cũng như các thành viên trong hệ thống đã tự cân đối mà Ngân hàng Nhà nước không phải bán ra hỗ trợ.

Đáng chú ý, cùng với tín hiệu trên, ngay trong ngày 11/7 nhiều ngân hàng đã rút đơn xin mua ngoại tệ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, họ đã có thể tự cân đối, nhu cầu được đáp ứng trên liên ngân hàng. Thứ hai, có thể xét đến sự quan ngại về mức giá giao dịch.

Nếu các ngân hàng giao dịch “tay bo” với nhau, kỳ thanh toán là T+0. Còn nếu nộp đơn xin mua từ Ngân hàng Nhà nước, nếu được bán thì kỳ thanh toán là T+2, tức hai ngày sau mới có ngoại tệ. Độ trễ kỳ thanh toán này có thể là yếu tố rủi ro giá xuống mà họ quan ngại nếu nhu cầu ngoại tệ không quá bức thiết hoặc vẫn tự cân đối được.

Trên thị trường liên ngân hàng, tín hiệu tích cực bước đầu đã được phát đi. Trên thị trường 1 (giao dịch với các tổ chức, dân cư thông thường), tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại hôm nay cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cụ thể, các nhà băng vẫn yết giá USD bán ra kịch trần, nhưng giá mua vào đã đồng loạt giảm 10 - 20 VND (theo mua tiền mặt hoặc chuyển khoản). Dù chưa mạnh và còn sớm để nói về một xu hướng, nhưng sự rút lui của giá mua vào phần nào cho thấy cầu ngoại tệ của các ngân hàng nói chung đã dịu bớt, không quyết mua như những ngày gần đây.

Trở lại với cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với 14 ngân hàng thương mại lớn, giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm là nội dung chính được đưa ra. Theo phóng viên tham dự cuộc họp cho hay, tất cả các đại diện tham dự đều thống nhất, đồng thuận về hướng bình ổn này, cam kết phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trên thị trường ngoại hối, tuân thủ các quy định hiện hành gắn với trách nhiệm của mỗi thành viên đối với sự ổn định chung.

Tại cuộc họp, xử lý trạng thái dư thanh khoản tiền đồng cũng là nội dung được tập trung thảo luận. Vấn đề này liên quan đến chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng, là một cấu phần gây khó khăn cho cam kết giữ ổn định tỷ giá. Bên cạnh các giải pháp thúc đẩy tín dụng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ sử dụng các công cụ, đặc biệt là cơ cấu và khối lượng tín phiếu phát hành để hút tiền về.

Bên lề cuộc họp trên, vừa trở về sau chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại liên hệ với người viết. Cuộc gọi vào lúc… 4h sáng nay, bởi ông sốt ruột sau những ngày biến động vừa qua.

“Thông tin kịp thời lúc này rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra cam kết một cách mạnh mẽ để củng cố niềm tin của người dân. Bởi vì những ngày qua rất có thể nhiều người nghe tin đồn, hoặc có kỳ vọng quá lớn rằng giá đô la sẽ tăng cao mà rút VND ra đi mua. Họ dễ bị thiệt khi mua giá cao những ngày qua để rồi bán lại giá thấp”, vị Chủ tịch này nhìn nhận.

Theo ông, khi Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cam kết, tiếp tục khẳng định nó thì sẽ bằng mọi cách để thực hiện để giữ uy tín và niềm tin thị trường. Và thực tế, với lãi suất USD chỉ 0,25 - 1,25%/năm, cộng với mức tăng tối đa có thể có, nắm giữ USD chỉ được tối đa khoảng 4%/năm, trong khi nắm VND được từ 7 - 8%/năm.

“Lợi ích ở đây khá rõ. Tôi tin dòng vốn dân cư cũng sẽ tính toán để cân nhắc lựa chọn nắm giữ”, ông nói.

Ở một hướng khác, trở lại với lần điều chỉnh ngày 28/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm mạnh trần lãi suất huy động USD đối với tổ chức và dân cư (còn lần lượt 0,25% và 01,25%/năm). Điều chỉnh này có thể sẽ tác động đến cơ cấu dòng tiền gửi trong hệ thống.

Cùng trong ngày 11/7, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hướng dịch chuyển tiền gửi từ VND sang ngoại tệ có dấu hiệu trong tháng 5 và 6 vừa qua đã dừng lại, được xem là một biểu hiện bước đầu sau tác động của việc hạ trần lãi suất USD.

Theo VnEconomy

Theo VnEconomy

Bạn có thể quan tâm