Khó tìm việc mới nên rút BHXH một lần
Chị Nguyễn Thị Duyên, 37 tuổi, làm công nhân tại một công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã hơn 17 năm. Năm 2022, công ty của chị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, do vậy chị phải nghỉ việc luân phiên hưởng mức lương cơ bản.
Từ đầu năm 2023, tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, chị Duyên và các công nhân trong công ty đứng trước hai lựa chọn, một là tiếp tục ở lại làm việc theo ca và nghỉ việc luân phiên; hai là nộp đơn xin nghỉ việc và nhận mức phụ cấp 9 tháng lương cơ bản.
Cuối cùng chị Duyên đã chọn nghỉ việc, đi tìm việc làm mới. Thế nhưng số công ty tuyển dụng lao động trong thời gian này không nhiều, đa số đều đưa ra nhu cầu tuyển dụng lao động từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi nên chị Duyên không thể tìm việc làm mới.
Chị chia sẻ, phụ nữ khi bước sang tuổi gần 40, thực sự rất khó chạy 'theo guồng' công việc. Vì vậy, cuối cùng chị quyết định sẽ chờ rút BHXH một lần để về quê mở quán tạp hoá mưu sinh.
Lao động nữ làm công nhân khi bước sang tuổi 40 rất khó xin việc làm, nhiều người chọn phương án rút BHXH một lần. Ảnh minh hoạ. |
Theo khảo sát 1.000 phiếu tại 30 doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố vào tháng 5-7 vừa qua của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, chỉ có 6,5% doanh nghiệp có nhiều đơn hàng; 51,6% doanh nghiệp không đủ đơn hàng nên có phương án cắt giảm lao động hoặc cố duy trì lao động, giảm giờ làm hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Trong số người lao động được khảo sát, một nửa lao động được trả tiền lương 5-7 triệu/ tháng. Họ chủ yếu là lao động trực tiếp, lao động phục vụ. Chỉ 11% lao động được trả lương từ 9 triệu đồng trở lên, đa phần là cán bộ lãnh đạo phòng, quản lý phân xưởng.
Khảo sát cũng cho thấy, bên cạnh 55,3% lao động muốn làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì rất nhiều lao động muốn nhận BHXH một lần.
Lý do nữ lao động di cư nhận BHXH một lần vì cuộc sống bấp bênh khó trụ làm việc lâu dài, nên rút lo cho cuộc sống gia đình một phần...
Theo kết quả khảo sát trong doanh nghiệp, có 66,7% cho biết tại doanh nghiệp có tình trạng lao động muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Doanh nghiệp cho rằng, tình trạng người lao động rút BHXH một lần là do suy giảm khả năng lao động, do muốn về quê sinh sống. Nhiều công nhân lao động tuổi đời còn trẻ, không thể chờ thời gian được hưởng lương hưu nên rút BHXH một lần.
Nên có chính sách tín dụng hỗ trợ lao động
Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong bối cảnh mới chúng ta xây dựng thị trường lao động rất linh hoạt. Có thể người lao động làm việc thời gian dài xong lại nghỉ vài năm rồi lại quay lại đi làm. Thị trường lao động linh hoạt như vậy thì BHXH cũng phải thiết kế các quy định trong luật BHXH phải rất linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Chính sách đóng hưởng BHXH bên cạnh tính cho những người đi làm khi về già có lương hưu đủ sống thì luật cũng phải hướng tới lợi ích của những người tham gia thị trường lao động đóng BHXH muộn. Có người khi 40-45 tuổi mới tham gia BHXH vẫn có thể hưởng lương hưu.
Trước lo ngại đóng BHXH 15 năm hưởng lương hưu thấp, ông Hiểu cho biết, Tổng liên đoàn đang đề xuất, trong BHXH ngoài nguyên tắc đóng - hưởng, cũng phải hướng tới nguyên tắc chia sẻ với những người lương thấp. Phải điều hoà để những người có mức đóng quá cao, bù đắp ở một mức tối thiểu với những người lương thấp.
“Quan điểm của Tổng liên đoàn lao động cứ cái gì có lợi cho người lao động cả trước mắt và lâu dài cần được đảm bảo. Ai đi làm cũng đều mong muốn khi về hưu có lương nên người lao động nên cân nhắc rất kỹ cho lựa chọn rút BHXH một lần”, ông Hiểu nói.
Với những người lao động thực sự khó khăn, ông Hiểu cho biết, Tổng liên đoàn lao động đang đề xuất Nhà nước nên có chính sách tín dụng để họ vượt qua khó khăn tiếp tục tham gia BHXH để khi về già có lương hưu thay vì rút BHXH một lần.