Tình trạng hàng loạt lái xe tại một số huyện Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy là một dẫn chứng.
Ngày 29/7, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) công bố tại Hà Nội kết quả nghiên cứu việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng.
Báo cáo viện dẫn hàng loạt trường hợp lái xe, không bằng cấp, quá tuổi tại một số huyện tại Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy.
Biểu đồ kết quả khảo sát yếu tố tác động đến tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. |
Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Hữu Hợi, lái xe cơ quan huyện ủy được Bí thư huyện Tĩnh Gia bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy. Tương tự, ông Vũ Quang Huy, lái xe HĐND-UBND huyện này cũng được Chủ tịch UBND huyện ký bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng HĐND-UBND.
Điều đáng nói là tại thời điểm bổ nhiệm, ông Hợi, ông Huy ở tuổi 52, 51 và đều không có bằng cấp gì.
Chưa hết, huyện Nông Cống cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp đang là lái xe, không bằng cấp và cũng quá tuổi làm Phó chánh văn phòng huyện ủy. Trước đó, ông Phạm Đức Nhần, lái xe tại huyện Lang Chánh cũng được Phó bí thư thường trực huyện này ký quyết định bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng huyện ủy.
Năng lực chưa được đề cao
Theo ông Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng.
Ông bày tỏ ủng hộ mô hình thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo tại Bộ GTVT, Bộ Tư pháp và trường hợp một phó phòng thi tuyển lên thẳng làm phó giám đốc một sở ở Quảng Ninh vừa qua.
Nói về kết quả khảo sát, ông Minh cho biết, yếu tố năng lực không được đề cao và không phải là then chốt trong việc tuyển dụng.
“Cả người dân và cán bộ, công chức đều nói sự tác động của người có chức có quyền đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức có tác động rất lớn”, ông Minh nói.
Theo kết quả khảo sát, có 43,2% người được hỏi cho rằng yếu tố người có thẩm quyền tác động có ảnh hưởng đến sự thành công trong việc tuyển dụng công chức, viên chức. 37% nhìn nhận yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen tác động đến sự thành công trong tuyển dụng cán bộ, công chức.
“Sự can thiệp của quyền lực và chạy chọt qua quà cáp, người thân quen là hai yếu tố quan trọng tác động đến quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức”, ông Minh đúc kết.