Dòng nhạc: Ballad
Sáng tác: Lê Cương, An Clock, Khánh Trường
Sản xuất âm nhạc: Nguyễn Nam Minh Thụy
Mix-Mastering: Như Việt
Chấm điểm: 5/10
Thương Võ – giọng ca sinh năm 1992 – khởi đầu sự nghiệp âm nhạc bằng các bản cover hit Vpop. Cô chuyển hướng solo, nổi lên từ ca khúc Em say rồi, hút gần 20 triệu lượt nghe sau 5 tháng. Gần đây, Thương Võ phát hành MV Em nào có tội, hút gần 6 triệu lượt nghe sau 1 tháng.
Thương Võ từng góp mặt ở Giọng hát Việt 2015, nhưng dừng bước từ vòng Đối đầu. Lần tái xuất này, giọng hát của Thương Võ tiến bộ, ngoại hình cũng bắt mắt hơn. Cô chọn những bản ballad bi lụy chủ đề tình yêu - vốn là công thức nhanh nhất - để tiếp cận thị trường.
Ca khúc "mì ăn liền"
Em nào có tội là ca khúc đồng sáng tác của Lê Cương, An Clock và Khánh Trường, đều là những cái tên xa lạ trên thị trường. Phần nhạc được phối bởi Nguyễn Nam Minh Thụy - producer chuyên trị dòng ballad - từng làm nhạc cho Lê Bảo Bình, Đức Phúc, Hòa Minzy.
Đây là ca khúc có đầu tư về mặt ê-kíp sản xuất, với đầy đủ các bước sáng tác, phối, thu âm, mix-mastering (Như Việt đảm nhận). Tuy nhiên, chất lượng tổng thể chỉ ở mức trung bình.
Các sản phẩm ballad của Thương Võ đang gây chú ý trên thị trường. Ảnh: NVCC. |
Nội dung của Em nào có tội kể về câu chuyện một cô gái đánh mất nửa kia vì người thứ 3. Ê-kíp sản xuất có đến 3 người đồng sáng tác, nhưng nội dung ca khúc cũ kỹ, vốn là chủ đề có hàng trăm bài tương tự trên thị trường. Từng câu chữ được viết ra gần như không có giá trị.
Em nào có tội về cấu trúc khá giống Sai cách yêu của Lê Bảo Bình. Kết cấu bài hát bao gồm: Verse (phân khúc) - chorus (điệp khúc 1) - pre-chorus 2 (tiền điệp khúc 2) - chorus 2 (điệp khúc 2).
Những ca khúc kiểu này như một gói mì ăn liền. Ưu điểm nằm ở việc dễ nghe, dễ hiểu với nhiều khán giả, nhưng không đọng lại điều gì về chất lượng, tinh túy của âm nhạc.
Về dòng nhạc ballad trên thị trường Việt, một nhạc sĩ nêu quan điểm cùng Zing về việc làm ra màu ballad rất dễ với những ê-kíp thật sự muốn đơn giản. Nhưng cũng rất khó với các ê-kíp muốn bản nhạc ballad phải khác biệt, mới và có giá trị.
Giá trị ở đây nằm ở cách sáng tác, phải nâng giá trị câu chữ và thông điệp ca khúc muốn chuyển tải đến khán giả. Cách phác thảo giai điệu cũng cần sáng tạo, lớp lang để tránh cảm giác nhàm chán.
Em nào có tội và Sai cách yêu vẫn còn đất sống trên thị trường, bởi nhiều khán giả Việt vẫn ưa chuộng sản phẩm này, tức có "cung", thì sẽ có "cầu". Điều đó phần nào phản ánh về chuyện thị hiếu của số đông khán giả nhạc Việt đang ở cấp độ nào.
Đất của ballad
Trong 2 tháng, loạt ca khúc ballad tạo sức hút lớn trên thị trường. Bên cạnh Em nào có tội, Sai cách yêu phát hành cuối tháng 7, đến nay nhận hơn 16 triệu lượt nghe và trụ ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành.
Gặp gỡ, yêu đương và được bên em - ca khúc mới của Phan Mạnh Quỳnh - hút gần 4 triệu lượt nghe sau 2 tuần. Mới nhất, Em hát ai nghe của Orange hút 3 triệu lượt nghe sau gần 1 tuần.
Orange chọn ballad để rút ngắn quãng đường tìm đến khán giả. Ảnh: NVCC. |
Ballad được xem là dòng nhạc tồn tại, khẳng định chỗ đứng lâu nhất trên thị trường nhạc Việt. 10 năm qua, các thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới dần đào thải những ca khúc ballad buồn, chậm rãi, thiếu cảm hứng. Nhưng riêng thị trường nhạc Việt, ballad chưa bao giờ lỗi thời.
Nhiều ca sĩ - đặc biệt những giọng hát trẻ, cần tạo dựng tên tuổi ở Vpop - chọn ballad hoặc pop/ballad là bước khởi đầu. Đây là công thức an toàn cho cả giọng hát và quy trình sản xuất, mà tỷ lệ phần trăm thành công lại rất cao so với các dòng hiện đại hơn như pop, Rn'B, blue, latin, funk, jazz....
Orange là giọng ca nổi bật ở các bản Rn'B pha rap. Em hát ai nghe là sản phẩm solo đầu tay của Orange, kể từ bước ngoặt chia tay công ty cũ.
Giọng ca sinh năm 1997 chọn ballad cho bước khởi đầu. Trả lời Zing, Orange trải lòng: "Tôi biết giọng hát của mình ở đâu, có thể làm những gì. Tuy nhiên, với bước khởi đầu, tôi muốn chọn dòng nhạc dễ tiếp cận khán giả nhất. Một bản ballad sẽ được khán giả dễ dàng hát theo và cảm nhận, hơn là một ca khúc hầm hố, nhưng không được ủng hộ".
Em hát ai nghe thực tế là ca khúc không xuất sắc, nhưng tròn trịa. Phần nội dung được đầu tư khá kỹ, với số lượng câu chữ nhiều. Tác giả Phi Woài chắt lọc, viết nên một số câu chữ có tính ẩn dụ, hình ảnh hóa.
Cũng là câu chuyện tình yêu, nhưng nội dung Em hát ai nghe là sự khác biệt so với Em nào có tội hay Sai cách yêu.
Gặp gỡ, yêu đương và được bên em của Phan Mạnh Quỳnh là đẳng cấp khác so với 3 ca khúc còn lại, với cách sáng tác riêng biệt, số lượng câu chữ rất nhiều, nhưng có giá trị, không quá sến.
Phan Mạnh Quỳnh luôn đặc biệt ở cách viết giai điệu, những nốt lên bổng, xuống trầm cho điệp khúc, dẫn dắt người nghe qua nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, cách phối nhạc của ca khúc cũng khác biệt, bởi Phan Mạnh Quỳnh phác thảo nhiều câu chữ mang tính hình ảnh. Producer sử dụng violin là nhạc cụ chính, giúp mở không gian cho bản nhạc.
Cũng với thể loại ballad, có ca sĩ nỗ lực làm mới, nâng tầm giá trị của dòng nhạc này. Nhưng cũng có ca sĩ đơn giản hóa tất cả công đoạn để nhắm tới yếu tố được đón nhận nhanh nhất, hút sự chú ý của bộ phận khán giả dễ tính - vốn chiếm số lượng đông trên thị trường.