Đầu tháng 5, giáo sư tâm lý Ralph Mistlberger, Andrea Smit và Myriam Juda của Đại học Simon Fraser (Canada) đã công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng giấc ngủ của học sinh trong đại dịch. Cụ thể, nhóm nghiên cứu so sánh dữ liệu về thói quen ngủ của hơn 80 học sinh trong đại dịch và thói quen ngủ của 450 học sinh khác trước khi đại dịch xảy ra.
Kết quả được đăng trên tạp chí khoa học PLOS ONE cho thấy, 80 học sinh thuộc nhóm sinh hoạt trong đại dịch ngủ muộn hơn 30 phút so với nhóm học sinh thuộc nhóm trước đại dịch. Chưa kể, chất lượng giấc ngủ của các em kém hơn, thường xuyên ngủ ngày và thức đêm.
Dù không phải học hay tham gia các hoạt động xã hội, các em vẫn ngủ ít hơn trước khi đại dịch bùng phát.
Giáo sư Ralph Mistlberger cho biết ông không ngạc nhiên trước kết quả này. Trong đại dịch, sinh hoạt của nhiều học sinh bị đảo lộn, các em ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là vào đầu ngày. Dù có nhiều thời gian, các em vẫn không ngủ đủ, dẫn đến tình trạng lười biếng, mệt mỏi kéo dài.
Nhiều học sinh mất ngủ vì đại dịch kéo dài. Ảnh: (HHD) Magazine. |
Lịch sinh hoạt bị đảo lộn
Lee Jung-won, 13 tuổi ở Hàn Quốc, phải tập thích nghi với việc học online sau khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này. Lịch sinh hoạt bị đảo lộn, Jung-won "quên" luôn việc phải ăn uống đúng giờ. Cả ngày em chỉ ăn vặt, không chịu ăn cơm.
Điều này khiến sức khỏe của đứa trẻ 13 tuổi giảm sút. Em ngày càng lười biếng, không muốn di chuyển, chỉ muốn nằm một chỗ cả ngày.
"Nếu không thể quay lại cuộc sống bình thường, cuộc sống sẽ rất khó khăn, em cũng rất mệt", Jung-won nói với Korean Quarterly.
Chung tình trạng với Lee Jung-won là Han Ye-in (14 tuổi). Ở tuổi của Ye-in, học sinh đang phải tập trung học để thi chuyển cấp. Tuy nhiên, do Covid-19 bùng phát, nữ sinh trở nên lười biếng, mất đi động lực học tập và thường xuyên ngủ ngày.
"Em thích trì hoãn việc học như thể em đang nghỉ hè", nữ sinh tâm sự.
Riley S ở New York (Mỹ) cảm thấy khác lạ khi phải chuyển sang học online. Nữ sinh được ngủ dậy muộn hơn và có thêm 3 giờ nghỉ trưa mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này khiến nhịp sinh hoạt của Riley bị đảo lộn hoàn toàn, em không thể hoàn thành các nhiệm vụ đúng hạn như trước.
Học online khiến Riley có cảm giác thiếu chân thực, em không được tương tác cùng giáo viên, bạn bè. Nữ sinh chỉ muốn trì hoãn mọi việc, không có động lực để đứng dậy làm bài tập.
"Tự nhiên có nhiều thời gian rảnh quá nên em thấy hơi bỡ ngỡ", Tommy J (Mỹ) nói với The New York Times. Sau 3 tuần học online, Tommy cảm thấy em dễ bị phân tâm và trì hoãn nhiều hơn. Nam sinh không có động lực để học và làm bài tập. Đến khi nhận ra nếu không học sẽ bị điểm kém, Tonny mới chịu ngồi vào bàn học.
Học online cũng khiến việc tương tác giữa nam sinh và giáo viên bị hạn chế. Khi có vấn đề thắc mắc, em không thể hỏi trực tiếp trên lớp mà phải gửi email và chờ rất lâu mới được hồi đáp.
Điểm tích cực "hiếm hoi" mà Tommy nhận được trong đại dịch là em có thể làm bài tập theo tốc độ tùy thích, không bị thúc giục như khi ở trên lớp.
Học sinh mệt mỏi vì phải học online kéo dài. Ảnh: Alles Wolke. |
Căng thẳng, rối loạn lo âu khi học online
Không chỉ mất ngủ, lười biếng, nhiều học sinh gặp các vấn đề tâm lý khi phải ở nhà, học online quá lâu. Tháng 4/2021, tổ chức phi lợi nhuận Active Minds thực hiện khảo sát với hơn 2.000 sinh viên đại học tại Mỹ. Kết quả cho thấy hầu hết sinh viên đều căng thẳng, lo lắng khi phải ở nhà. 81% trong số đó cho biết đại dịch khiến họ buồn bã, thất vọng với cuộc sống.
Một khảo sát khác của Student Experience in the Research University (SERU) với hơn 30.000 sinh viên tại 9 đại học công lập ở Mỹ, cho thấy 32% bị trầm cảm và 39% bị rối loạn lo âu.
Trầm cảm và rối loạn lo âu cũng là tình trạng phổ biến với sinh viên Đại học Dartmouth (Mỹ). Một khảo sát với 200 sinh viên cho thấy nguyên nhân khiến sinh viên gặp vấn đề tâm lý là do việc học bị chuyển đổi đột ngột từ trực tiếp sang trực tuyến.
Tại Dartmouth, tình trạng này diễn ra từ học kỳ mùa xuân năm 2021. Vào các kỳ thi, học sinh càng căng thẳng, chật vật hơn.
Kitty ở bang New Jersey (Mỹ) thường xuyên lo lắng vì không thể truy cập các lớp học trực tuyến. Nữ sinh sống ở khu vực khó truy cập Internet, điều này khiến việc học bị gián đoạn.
Học tập ở nhà cũng là điều khó khăn với Kitty. Bình thường, nữ sinh có thể tập trung học hàng tiếng đồng hồ vì được trao đổi với bạn bè, giáo viên. Trong thời gian nghỉ dịch và học tại nhà, nữ sinh trở nên mệt mỏi vì phải nhìn iPad liên tục 4-5 giờ mỗi ngày.
"Tôi rất đau đầu và mệt. Có vẻ giáo viên cũng nhận ra vấn đề này, nhưng họ không thể làm gì khác", nữ sinh nói.
Theo phân tích của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Anh, ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em tại quốc gia này cần được hỗ trợ tâm lý. Học online trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến nhiều em mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu.
William Hallows, 8 tuổi, đến từ Greater Manchester, cảm thấy căng thẳng khi phải học trực tuyến. Dù không phải làm nhiều bài tập như trước, William vẫn muốn quay về trường học. "Học bài một mình rất khó, em muốn đến trường", cậu bé nói với The Sun.
Aurelia Lloyd-Morell, 10 tuổi, là một trong những trường hợp mắc chứng tự kỷ và đang phải vật lộn với cuộc sống cách ly.
Được biết, bạn bè, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh của Aurelia. Khi không được đến trường, bệnh tình của em chuyển biến xấu. Cô bé 10 tuổi luôn trong tình trạng căng thẳng khi phải học online.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tháng 2/2021, nhóm nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh (Trung Quốc) thực hiện khảo sát với 562 học sinh 7-15 tuổi tại quốc gia này.
Kết quả chỉ ra 46,7% trong số đó bị ảnh hưởng tâm lý, 27,4% bị ảnh hưởng thể chất do đại dịch Covid-19. 73,2% người tham gia khảo sát cho biết họ đã khôi phục cuộc sống bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát và trường học mở cửa trở lại.
Tại Nhật Bản, trầm cảm, căng thẳng được coi là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh tự tử. Tình trạng này trở nên căng thẳng hơn khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này.
Theo Japan Times, vào năm 2020, số học sinh tự tử đạt mức kỷ lục với 499 trường hợp, tăng 100 vụ so với năm 2019. Trong đó, 14 trường hợp là học sinh tiểu học, 146 trường hợp đang học THCS và số còn lại là học sinh THPT.
Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng nhiều học sinh trở nên lo lắng vì việc học, sự nghiệp, chưa kể các em gặp mâu thuẫn với gia đình do phải dành nhiều thời gian ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Trung tâm Childline Nhật Bản, tổ chức điều hành đường dây nóng hỗ trợ trẻ em Nhật Bản, khuyên các gia đình và nhà trường cần hỗ trợ tâm lý và để mắt đến trẻ nhiều hơn. Đại dịch khiến các em nhạy cảm, dễ tổn thương và có nhiều suy nghĩ tiêu cực.
"Đại dịch đã lấy đi cơ hội học tập của trẻ. Chúng tôi hy vọng cha mẹ, giáo viên tăng cường chăm sóc trẻ nhiều hơn, đặc biệt là những đứa trẻ đang gặp các vấn đề tâm lý", Junko Kobayashi, đại diện trung tâm Childline Nhật Bản, nói với Japan Times.