Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều đường lớn ở Sài Gòn thành một chiều, liệu có hiệu quả?

Nhiều chuyên gia nhận định các tuyến đường vừa được Sở GTVT đề xuất phân luồng một chiều chủ yếu đường chéo, dân cư đông, kinh doanh sầm uất nên rất khó giảm ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất phân luồng nhiều tuyến đường lớn hai chiều thành đường một chiều tại buổi họp với Bí thư Đinh La Thăng, để giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi với Zing.vn về câu chuyện này, TS Phạm Sanh, giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng Sở GTVT cần nghiên cứu thêm về việc phân luồng đường một chiều vì hiệu quả mang lại không cao, có khi lại rối hơn trước. 

Theo TS Phạm Sanh, lý thuyết xây dựng đường một chiều thường phân luồng trong các cụm đô thị có các tuyến đường song song hoặc các tuyến đường tập trung ít dân cư.

Những trục đường quy hoạch ô vuông, tạo thành các đường song song, vuông góc các đường cắt ngang. Trên phố đó ít dân, chủ yếu là các cơ quan, công trình, mật độ dân cư vắng.

Ví dụ, hiện nay cụm đường ở khu vực quận 1, quận 3 như Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu... rất hiệu quả. 

To chuc them duong mot chieu o Sai Gon anh 1
TS Phạm Sanh, giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh: T.L

 

Khi chuyển đổi các tuyến đường hai chiều thành một chiều luôn mang lại những tác động đến giao thông của mạng đô thị. Đường một chiều có ưu điểm tăng lưu lượng xe, giảm bớt các xung đột ở giao lộ.

Tuy nhiên đường một chiều lại tăng thời gian lưu thông, hạn chế việc buôn bán, kinh doanh hai bên tuyến đường.

“Sở GTVT cần có khảo sát thật kỹ, xem xét gần tuyến đường phân luồng có trục ngang, hẻm, lưu thông cụm dân cư và việc buôn bán thế nào”, TS Phạm Sanh nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc cần hạn chế phân luồng một chiều những cặp đường chéo, dân cư tập trung đông, kinh doanh sầm uất, lòng lề đường lấn chiếm.

To chuc them duong mot chieu o Sai Gon anh 2
Cặp đường Trường Chinh - Cộng Hòa chéo nhau, dân cư đông, nhiều hẻm cắt ngang nên khó hiệu quả khi phân luồng một chiều. Ảnh: Lê Quân.

 

“TP muốn phân luồng đường một chiều cần phải quy hoạch mạng lưới đô thị ô vuông. Chứ hai đường Lê Quang Định - Phan Văn Trị và Trường Chinh - Cộng Hòa đi chéo, rất nhiều đường hẻm giao cắt lộn xộn, mua bán đông đúc thì làm sao mà phân luồng một chiều. Chắc chắn giao thông sẽ rối thêm”, ông Sanh nhận định.  

TS Phạm Sanh cho biết may ra phân luồng một chiều cặp đường Lê Quý Đôn và Trần Quốc Thảo sẽ ổn. Nhưng thật chất 2 tuyến đường này TP đã từng làm một chiều, sau đó phân lại hai chiều.

Hai tuyến đường này không giải quyết được vấn đề kẹt xe thành phố. Những tuyến đường gây ùn tắc giao thông chính là những trục đường xuyên tâm.

Còn trục đường song song Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch cũng cần nghiên cứu lại vì đường Hai Bà Trưng buôn bán rất đông đúc.

“Theo cá nhân tôi, việc phân luồng 1 chiều các tuyến đường này hiệu quả thì Sở GTVT đã làm 10 năm trước rồi, chứ ko phải đến bây giờ mới đề xuất. Phân luồng bây giờ có cái bất lợi vì dân cư quá đông, buôn bán sầm uất thì rất khó hiệu quả”, TS Phạm Sanh khẳng định.

To chuc them duong mot chieu o Sai Gon anh 3
Theo TS Phạm Sanh hai tuyến đường Lê Quang Định và Phan Văn Trị chéo nhau nên rất khó phân luồng một chiều hiệu quả. Đồ họa: Minh Trí. 

 

Cũng theo TS Phạm Sanh TP nên mở rộng thêm lòng đường, đường nào có thể mở rộng được mở ra thêm. Ví dụ trục đường Phan Văn Trị mở rộng ở Gò Vấp rồi, TP cố gắng mở rộng thêm đoạn đi qua Bình Thạnh. Nếu mở rộng được thì hiệu quả nhiều hơn là phân luồng một chiều.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, giảng viên trường Đại học Bách khoa ĐHQG TP.HCM, Sở GTVT phải xác định điều chỉnh đường một chiều một số tuyến Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng… sẽ gây kẹt hàng loạt đường cắt ngang, đường nhánh của các tuyến này, ảnh hưởng giao thông toàn khu vực.

Do vậy, TP cần phối hợp với các đơn vị khác lên kế hoạch nghiên cứu tổng thể mạng lưới giao thông toàn TP để đưa ra một kế hoạch giảm ùn tắc, kẹt xe có tác dụng lâu dài, hiệu quả trong phạm vi rộng. 

Nhiều tuyến đường lớn ở Sài Gòn thành đường một chiều

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất phân luồng nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm Sài Gòn thành đường 1 chiều nhằm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm