Về một số điều cấm trong Nghị định 100/2014/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo sẽ có hiệu lực từ 1/3/2015, trưởng phòng đối ngoại một doanh nghiệp sữa có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, ở thời điểm hiện tại dù quy định chưa có hiệu lực, doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Thị trường sữa sẽ có thêm nhiều quy định mới về quảng cáo. |
Theo ông này, việc quảng cáo bắt đầu ngưng lại ngay từ thời điểm dự thảo quy định mới được công bố. “Bản thân cơ quan cấp phép quảng cáo cho sản phẩm là Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã ngừng cấp phép cho những quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, để tránh việc giấy phép có hiệu lực quá thời hạn 1/3/2015,” ông này nói thêm.
Hiện tại, theo Nghị định 21/2006/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực, doanh nghiệp không được quảng cáo các sản phẩm dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Cũng theo ông này, một số quy định khác của Nghị định 100 như không được trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế, cũng sẽ buộc doanh nghiệp phải dần chuyển đổi.
Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp khác thì cho biết, họ sẵn sàng tuân thủ các quy định của nghị định mới. Tuy nhiên, việc không được cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, không được quảng cáo các sản phẩm dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi như quy định mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, giảm doanh thu của các hãng sữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo công bằng.
Hiện tại, dù quy định cấm các hãng sữa không được tiếp xúc với bà mẹ tại các cơ sở y tế để giới thiệu sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, cấm tư vấn qua điện thoại, cấm khuyến mãi cho các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi… nhưng không ít doanh nghiệp vẫn thực hiện.
Nghị định 100/2014/NĐ-CP là quy định do Chính phủ ban hành, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên cơ sở khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời ở Việt Nam hiện nay chỉ còn 19%, và đứng thứ 3 trong số các nước có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.