Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển khỏi TP.HCM

6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại TP.HCM tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Lý do chính là sự dịch chuyển của ngành sản xuất khỏi thành phố này.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 7%, xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm ngoái (7,1%), chủ yếu đến từ sự tăng trưởng cao của các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ tăng 5,5%, trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 9,5%.

Một trong những nguyên nhân chính là sự dịch chuyển đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn và có tiềm lực kinh tế, tiêu biểu là trong lĩnh vực hóa chất và thực phẩm.

Đặc biệt, ngành hóa chất chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động sản xuất của TP.HCM, nhưng do không được ưu tiên phát triển vì vấn đề môi trường nên buộc phải chuyển đi các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.

doanh nghiep dich chuyen khoi TP.HCM anh 1
CJ Cầu Tre là một trong những doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi TP.HCM. Ảnh: CJ Cầu Tre

“Giá đất ở TP.HCM tăng cao mà quỹ đất hạn hẹp, chi phí để người lao động duy trì cuộc sống cũng lớn nên công đoạn sản xuất nào không mang lại giá trị gia tăng lớn bắt buộc phải dịch chuyển khỏi thành phố, còn những công đoạn mấu chốt, mang lại giá trị gia tăng cao nhưng không cần sử dụng nhiều lao động vẫn giữ lại TP.HCM”, ông Trần Anh Hào nhận định.

Thực tế, TP.HCM gặp khó khăn trong việc cung cấp quỹ đất 30-40 ha cho một doanh nghiệp lớn, trong khi các khu đất 5-10 ha phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hơn lại được bán với giá cao.

Đối với ông, đây là quy luật thị trường và doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp.

“Trong TP.HCM hiện tại kiếm đâu ra 20 ha để ‘dọn tổ’ cho các ‘đại bàng’ công nghiệp”, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhận định.

Ông cho biết Sở Công Thương đã nhận thức được vấn đề này và sẽ quy hoạch các quỹ đất, đồng thời xem xét chọn lựa doanh nghiệp đầu tư phù hợp.

“TP.HCM có quỹ đất riêng cho một số ngành ưu tiên phát triển với mức giá ưu đãi nhằm phục vụ phát triển công nghiệp theo mục tiêu của thành phố như khởi nghiệp, sáng tạo, công nghiệp 4.0. Còn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác buộc phải tuân theo quy luật thị trường khi đầu tư”, ông Trần Anh Hào cho biết.

Thực tế, TP.HCM đã chuẩn bị quỹ đất 100 ha tại khu công nghiệp Phạm Văn Hai và sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều quỹ đất tương tự cho các doanh nghiệp được ưu tiên phát triển.

Hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM đã làm việc với 18 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng: ‘Lào Cai sẽ là điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nếu quyết tâm cao thì trong vòng 15-20 năm nữa, Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam”.


Lan Anh

Bạn có thể quan tâm