Hội nghị Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 24/12. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Bộ Công Thương đã hoàn thành cơ bản kế hoạch đề ra từ đầu năm về công tác CPH. So với thành tích chỉ hoàn thành 48% kế hoạch của năm 2014, đây là thành quả được ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong giai đoạn 2011-2015, về cơ bản Bộ đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn 15 DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Diệp Sa. |
Tuy nhiên, thực tế, quá trình CPH các doanh nghiệp thuộc Bộ này cho thấy, hoạt động CPH tiến hành tại nhiều tập đoàn, TCT chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, các nguyên nhân chính được đại diện Bộ Công Thương, Tài chính và các doanh nghiệp nêu ra là hiện còn nhiều doanh nghiệp loay hoay, chưa chọn được giải pháp CPH phù hợp.
Mặt khác, với lượng cổ phần ít ỏi bán ra, vốn Nhà nước vẫn chiếm tới hơn 90%, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra không mặn mà với việc mua cổ phần vì có mua hết lượng cổ phần bán ra cũng khó nắm quyền kiểm soát.
Khó hút nhà đầu tư nếu tiết kiệm cổ phần bán ra
Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Còn tính trong giai đoạn 2011-2015, đã có 15 doanh nghiệp được sắp xếp hoặc CPH.
Trong số các đơn vị đã CPH, chỉ 5 DN có nhà đầu tư chiến lược. Và theo đại diện Bộ Công thương, nhà đầu tư phần lớn vẫn thuộc khối nội, chưa hút đầu tư nước ngoài.
Nêu quan điểm tại sự kiện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá, việc nhiều đơn vị chỉ bán nhỏ giọt số ít cổ phần không thể khiến các nhà đầu tư mặn mà. "Cổ phần hóa doanh nghiệp mà vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 94-95% thì không có nhiều ý nghĩa lắm", Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chỉ ra một số doanh nghiệp bán tỷ lệ cổ phần như ví dụ: "Nhiều doanh nghiệp CPH lần đầu bán lượng CP ra rất ít, như Than khoáng sản Việt Nam CPH chỉ bán được 3-4%". Ông Vượng đề xuất phương án CPH nên phê duyệt bán trên 51% để nhà đầu tư thấy tính nhất quán về chủ trương của Nhà nước là không nắm giữ hay chi phối CP tại doanh nghiệp đó nữa.
Ông Phan Đăng Tuất, Phó trưởng ban, thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc nắm giữ dưới 51% cổ phần tại các DN Nhà nước không thể khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bởi tỷ lệ ấy không giúp nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát.
Sabeco dù đạt thành tích kinh doanh tốt song vẫn bị đánh giá là doanh nghiệp CPH không thành công do bán quá ít cổ phần. Ảnh: Diệp Sa. |
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Tài chính) nêu thẳng tên 2 Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội cùng CPH không thành công. Nguyên nhân, theo ông Dũng, là hai đơn vị này chưa nắm được mục tiêu của CPH.
Đại diện Bộ Tài chính giải thích, thực tế, có thể cả 2 doanh nghiệp này đều thấy đang hoạt động kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tốt nên không cần phải CPH. Tuy nhiên, theo ông Dũng, lợi nhuận không phải là mục đích cao nhất của CPH, mà là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
"Nếu với kiểu CPH bán ra có mấy chục % như thế này thì không thể thành công được. Đại diện đơn vị nên hiểu rằng, nếu đang hoạt động hiệu quả, thì sau CPH có thể hiệu quả còn gấp nhiều lần như vậy", ông Dũng phát biểu.
Loay hoay tìm phương án, khó khăn vì thủ tục
Hạn chế đề cập tới nguyên nhân như các lãnh đạo quản lý Nhà nước nêu ở trên, đại diện các Doanh nghiệp tham dự hội nghị trình bày nhiều nguyên nhân khác tác động tới tiến trình CPH của mỗi đơn vị. Đó là các khó khăn đến từ quy trình thực hiện CPH và thực trạng chây ỳ giải quyết thủ tục, giấy tờ gây tốn kém thời gian.
Bàn về khó khăn lớn nhất, vấn đề lựa chọn phương án thực hiện CPH từ công ty con tới công ty mẹ hay theo quy trình ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa có một cách thức chuẩn cho các doanh nghiệp có thể học hỏi để CPH thành công.
Thực tế, trong nội dung tham luận tại hội nghị, các đại diện doanh nghiệp cũng thể hiện quan điểm trái chiều về vấn đề này. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đơn vị được đánh giá là làm nhanh, làm sớm CPH, song, theo chia sẻ của TGĐ Lê Tiến Trường, đơn vị này cũng phải mất tới 16 năm mới CPH thành công dù tự nhận quy mô Tập đoàn là nhỏ.
EVN trình bày về thực trạng gặp khó trong quá trình giải quyết thủ tục giữa các Bộ, ngành liên quan. Ảnh: Diệp Sa. |
Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện Vinatex cho rằng, muốn thành công, Tập đoàn nên chọn hình thức CPH từ dưới lên, từ công ty con rồi mới tới công ty mẹ. "Mục tiêu cuối cùng của CPH là doanh nghiệp phải năng động hơn, linh hoạt hơn nhưng con không đệ trình thì mẹ làm sao biết để thay đổi? Cổ phần hóa từ công ty con trước rồi dần tới công ty mẹ tuy có thể lâu hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn", ông Trường nói.
Có quan điểm khác, người đứng đầu TCT máy và thiết bị công nghiệp MIE lại cho rằng, cách làm ngược lại, từ trên xuống mới phù hợp.
Bình luận về cách thức CPH, ông Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, cách thức CPH như thế nào phải phụ thuộc vào tình hình và đặc trưng của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tính dám nghĩ, dám làm và phải làm quyết liệt của các cá nhân đứng đầu Tập đoàn, TCT.
Bàn tới các nguyên nhân khác tác động tới tiến trình CPH, đa số đại diện doanh nghiệp cùng chung ý kiến về quy trình xử lý thủ tục giấy tờ còn rườm rà, mất thời gian.
TGĐ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nêu trường hợp của doanh nghiệp mình: "Trình công văn tới vài tháng nhưng không được trả lời chỉ vì vấn đề chữ nghĩa giữa bên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước".
Ở một góc nhìn khác, đại diện EVN cũng đưa ra quan điểm, đề nghị cân nhắc tới lợi ích của cán bộ công nhân viên đã gắn bó lâu năm với Tập đoàn. Nói về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất cho biết: "Nhiều lao động từ bỏ quyền mua cổ phần theo cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp vì không được ưu đãi gì hơn so với cổ phần bán đấu giá công khai".
Tổng kết ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, kết quả công tác thoái vốn, cổ phần hóa của Bộ Công Thương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song, do nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh công tác CPH.
Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, theo Bộ trưởng, ngoài quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương và người đứng đầu doanh nghiệp thì còn cần sự vào cuộc và hợp tác quyết liệt của các Bộ, ngành liên quan để hoàn thành cơ chế chính sách chung.