Xuất hiện chùm thủy đậu tại trường học
Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, số ca sốt xuất huyết nhập viện đến hết tuần qua là 9.357, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo, sốt xuất huyết tiếp tục chiều hướng gia tăng, lan rộng. Đến thời điểm này TP có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Bên cạnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng bùng phát. Đến nay, toàn TP ghi nhận 274 ca mắc tay chân miệng, tăng 8% so với tuần trước. Nếu tính số ca mắc của 4 tuần gần đây, đã tăng 72% so với 4 tuần cùng kỳ năm trước. Năm nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh này.
Đáng lo ngại, trong tuần 38 vừa qua, xuất hiện 2 chùm ca bệnh thủy đậu bùng phát tại các trường học của thành phố vào ngày 15/9.
Khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM đã quá tải trong 2 tháng gần đây, bệnh nhi phải nằm tràn ra hành lang. |
Chùm ca bệnh thủy đậu thứ nhất bùng phát tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (phường Hiệp Thành, quận 12) với 19 học sinh tại 8 lớp mắc bệnh.
Chùm ca bệnh thứ 2 xảy ra tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) với 4 học sinh mắc thủy đậu.
Trung tâm Y tế dự phòng các quận đã tiến hành điều tra xử lý dịch tại trường học, cộng đồng, tiếp tục giám sát hàng ngày tại các trường học nói trên.
Việt Nam xếp thứ 3 các quốc gia có sốt xuất huyết
Theo ông Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện có khoảng 3,9 tỷ người sống tại 30 quốc gia có sốt xuất huyết lưu hành. Hàng năm có khoảng 500.000 trường hợp mắc nặng phải nhập viện và 12.500 người trong số này đã tử vong do sốt xuất huyết (chiếm tỷ lệ 2,5%).
"Tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết trung bình luôn cao thứ 3 trong số 30 quốc gia có sốt xuất huyết. Nước ta có đủ 4 type virus gây sốt xuất huyết lưu hành", ông Hữu cho biết.
Riêng tại khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 77,8% tổng số ca mắc và chiếm 95% tổng số ca tử vong của cả nước trong năm vừa qua.
Đáng lưu ý, tại miền Nam, còn có sự dịch chuyển độ tuổi mắc bệnh từ trẻ em sang người lớn. Tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết đã tăng đều qua các năm tại miền Nam.
Năm 2014, số người lớn mắc sốt xuất huyết đã chiếm 44% tổng số bệnh nhân. Như thế, hiện số người lớn mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn gấp đôi so với mốc năm 1999 và tăng hơn 5 lần so với 1990.
Cùng với sự gia tăng về độ tuổi mắc bệnh, còn có dấu hiệu chuyển dịch sang khu vực đô thị, công nghiệp, từ khu vực Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ.
Trước tình hình gia tăng các bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế thành phố sẽ ký kết với UBND 8 quận huyện tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và tiếp tục triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường hàng tuần, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh.