Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều địa phương gửi tiền tỷ, lương thực giúp đồng hương ở lại TP.HCM

Cà Mau, Bình Phước, Hải Phòng... có chính sách hỗ trợ tiền và thực phẩm cho người dân yên tâm ở lại TP.HCM và một số tỉnh có dịch.

Ho tro nguoi dan o lai TP.HCM anh 1

Hưởng ứng thông điệp người dân "ở đâu ở yên đó" để tránh lây lan dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành và các cá nhân, tổ chức đã "tiếp sức" cho bà con ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Nhiều địa phương khác cũng lên kế hoạch cụ thể đón người dân trở về, cũng như có chính sách hỗ trợ trong mùa dịch.

Gửi hàng tấn lương thực

Chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký công văn hỏa tốc về việc tạm dừng tiếp nhận công dân từ địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 5/8.

Thành phố này thống nhất hỗ trợ người dân Hải Phòng ở TP.HCM đang gặp khó khăn với mức 2 triệu đồng mỗi hộ từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài thực phẩm, chúng tôi gửi lên TP.HCM 1 tỷ đồng để hỗ trợ 2.000 sinh viên, học sinh khó khăn.

Ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau

Trao đổi với Zing ngày 3/8, ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP.HCM, đơn vị đã có nhiều chuyến hàng gồm 12 tấn tôm thẻ đông lạnh, 2,5 tấn gạo, 3 tấn khô cá các loại, hỗ trợ người dân Cà Mau, Bạc Liêu đang sống tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

“Chúng tôi còn gửi lên TP.HCM 1 tỷ đồng để hỗ trợ 2.000 sinh viên, học sinh khó khăn, mỗi em 500.000 đồng. Hội đồng hương tiếp nhận danh sách khoảng 7.000 người khó khăn. Tỉnh đang vận động các doanh nghiệp ủng hộ chả cá, cá khô, gạo và lương thực để chuyển lên TP.HCM ngày 5/8”, ông Thành chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu thống kê, lập danh sách lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, đang ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, để tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước và các địa phương cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân an tâm, tiếp tục ở lại địa phương đang cư trú, không tự đi xe về địa phương, dễ gây lây lan dịch bệnh.

Ho tro nguoi dan o lai TP.HCM anh 2

Lãnh đạo TP.HCM cam kết đảm bảo chăm lo đời sống cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo ông Trần Ngọc Đính - Phó chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.HCM, kiêm phụ trách Hội đồng hương TP Tam Kỳ tại TP.HCM - hội đồng hương sẽ lên danh sách hỗ trợ người dân Quảng Nam đang ở TP.HCM.

Theo quy định, người dân "ở đâu ở yên đấy", ông Đính không thể trực tiếp đưa nhu yếu phẩm đến từng gia đình nên sẽ xin số tài khoản, sau đó chuyển cho mỗi người 500.000 đồng để trang trải tạm thời.

Hàng nghìn người đăng ký về quê

Ngày 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết địa phương này đã hoàn thành đợt 1 của kế hoạch đón người dân từ TP.HCM về quê. Đợt này diễn ra từ ngày 31/7 đến 1/8 với 489 người.

Theo ông Tam, Bến Tre có kế hoạch đón người dân về quê thêm nhiều đợt nhưng phải bàn lại với UBND TP.HCM rồi xin ý kiến Thủ tướng vì đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các đợt tiếp theo, Bến Tre sẽ đón thêm khoảng 2.000 người, chi phí thực hiện được sử dụng từ nguồn xã hội hóa.

Tỉnh Cà Mau lo chi phí xét nghiệm và ăn uống cho bà con được tổ chức đưa về những ngày qua.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân

“Trước khi lên xe về Bến Tre, bà con được xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Về tới tỉnh nhà, người dân được xét nghiệm thêm lần nữa, và đi cách ly tập trung 7 ngày. Hết thời gian trên, bà con được xét nghiệm tiếp, nếu âm tính thì được đưa về cách ly tại nhà”, ông Tam nói.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bến Tre, ngoài việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm, ăn uống dọc đường và 7 ngày cách ly tập trung, những người được đón về quê còn nhận 200.000 đồng tiền mặt.

Ho tro nguoi dan o lai TP.HCM anh 3

Những người dân Nghệ An sống ở TP.HCM được đón về quê chiều 3/8 . Ảnh: Phạm Trường.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, địa phương đang phối hợp UBND TP.HCM lập danh sách những người có nhu cầu về quê. Các đơn vị chức năng đang rà soát thông tin cá nhân để lên kế hoạch đưa người dân trở về địa phương.

“Bà con được tổ chức đưa về những ngày qua đều được tỉnh Cà Mau lo chi phí xét nghiệm và ăn uống khi cách ly tập trung. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đã vận động tiền, gạo, thực phẩm để gửi lên TP.HCM hỗ trợ bà con đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu”, ông Quân nói.

Hỗ trợ chi phí cách ly

Chiều 3/8, bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Vĩnh Long, cho biết hơn 800 người dân tỉnh này đăng ký về quê. Địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 nên hết thời gian giãn cách, tỉnh sẽ đưa xe lên TP.HCM đón.

“Sau khi tỉnh đón về, bà con được cách ly tập trung và tại nhà. Tỉnh hỗ trợ chi phí cho bà con bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách”, bà Hà nói.

Đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại. Chúng tôi cam kết sẽ không để bà con thiếu đói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi

Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM gửi công văn đến cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang về việc phối hợp đưa người dân trở về địa phương. Ôtô khách dự kiến xuất phát tại Bến xe Miền Tây sáng 6/8, đưa người dân đến khu cách ly tập trung tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

Trao đổi với Zing, ông Võ Phú Cường, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hậu Giang, thông tin đợt 1 này có 72 người đăng ký về quê. Tỉnh hỗ trợ xe, người dân trả chi phí xét nghiệm và ăn uống trong thời gian cách ly tập trung.

Trong khi đó, Hội đồng hương Long An tại TP.HCM đã nhận được danh sách đăng ký về địa phương của gần 180 người. Tỉnh sẽ hỗ trợ xe, người dân chịu chi phí xét nghiệm và ăn uống trong 14 ngày cách ly tập trung.

Ho tro nguoi dan o lai TP.HCM anh 4

Học sinh, sinh viên về Khánh Hòa hôm 1/8. Ảnh: Xuân Hoát.

Tại Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân nói: “Trước mắt, chúng tôi đón 1.500 học sinh, sinh viên từ TP.HCM. Tỉnh đã làm việc với TP.HCM và thống nhất chia thành 3 đợt. Đợt một, 500 học sinh, sinh viên đã về đến Khánh Hòa hôm 1/8. Hai đợt còn lại sẽ sắp xếp thời gian tới”, ông Tuân cho hay.

Người dân từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trở về Khánh Hòa cũng phải cách ly tập trung 14 ngày và xét nghiệm rRT-PCR.

Thời gian qua, Khánh Hòa ghi nhận nguồn lây mới từ người dân trở về tự phát. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát danh sách người dân đi từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về tỉnh này trong 14 ngày, kể từ 1/8 trở về trước, để giám sát, cách ly tại nhà.

Các tỉnh Đắk Nông, Đăk Lắk cũng lên kế hoạch đón người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước về quê. Trong đó, Đắk Lắk tổng hợp được danh sách khoảng 2.000 người, được đón thành nhiều đợt và cách ly tập trung 14 ngày để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ngày 3/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kêu gọi bà con ở lại thành phố và cam kết không để thiếu đói.

"Mong bà con không tổ chức di chuyển tự phát vì theo quy định bà con không được làm như vậy. Việc về quê tự phát sẽ gây khó khăn, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của bà con", ông Đức nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nói: "Đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại. Chúng tôi cam kết sẽ không để bà con thiếu đói".

TP.HCM tổ chức cho hơn 7.000 người về quê trong 2 tuần

Từ 20/7 tới nay, TP.HCM đã hỗ trợ tổ chức cho 7.023 người về quê. Lãnh đạo thành phố kêu gọi bà con ở lại và cam kết không để thiếu đói.

Phó thủ tướng: ‘Để dịch dây dưa sẽ không kiểm soát được tình hình’

Làm việc với Phú Yên và Khánh Hòa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị 2 tỉnh mở chiến dịch thật mạnh, tập trung dập dứt điểm, không để dịch dây dưa.

Nỗ lực giải bài toán giảm ca tử vong tại TP.HCM

Làm sao giảm số ca tử vong là bài toán mà TP.HCM đang nỗ lực giải trong nhiều tuần qua với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.

Phó bí thư TP.HCM: 'Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn'

"TP xác định việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa, mà quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp điều trị", Phó bí thư Mãi nói.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm